GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN: Bài 2- Bắc Kạn nỗ lực hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Dự án hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 phê duyệt tại Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 14/7/2021 đã và đang giúp người dân được thụ hưởng về thông tin, góp phần giảm nghèo bền vững.
Lắp đặt cụm loa ứng dụng CNTT-VT tại thôn Khe Thỉ, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới.

Lắp đặt cụm loa ứng dụng CNTT-VT tại thôn Khe Thỉ, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới.

Dự án thực hiện trong 02 năm 2021 và 2022, với tổng kinh phí quyết toán là hơn 20 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án với quy mô đầu tư mới, nâng cấp chuyển đổi cho 93 đài truyền thanh cơ sở trong phạm vi 93/108 xã, phường, thị trấn của 08/08 huyện, thành phố sang đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT.

Trong đó, dự án thực hiện đầu tư mới 44 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT; nâng cấp, chuyển đổi 49 đài truyền thanh hữu tuyến/đài truyền thanh FM là các đài đang còn hoạt động thường xuyên sang phương thức đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT; đầu tư thiết bị số hóa kết nối hệ thống truyền thanh của 08 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh; đầu tư xây dựng mới 01 hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.

Mỗi đơn vị được đầu tư mới đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT được trang bị các thiết bị bao gồm: 01 máy vi tính để bàn và 10-12 cụm thu loa (mỗi cụm 02 loa); mỗi đơn vị nâng cấp, chuyển đổi được trang bị 01 máy vi tính để bàn, 01 bộ thiết bị tích hợp tự động (để kết nối hệ thống cũ và hệ thống mới) và 3-5 cụm thu loa (mỗi cụm 02 loa). Tổng số cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT được đầu tư mới và nâng cấp trên địa bàn toàn tỉnh là 687 cụm thu. Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh được triển khai cài đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh để quản lý tập trung hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT và cung cấp nội dung thông tin cho đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn toàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng vận hành cho cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã.

Sau khi triển khai lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, Sở đã thành lập các nhóm zalo để trao hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp khó khăn thắc mắc cho cán bộ đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT các xã. Sở thành lập mỗi huyện, thành phố 01 nhóm zalo, gồm các xã trên địa bàn mỗi huyện. Mỗi nhóm bao gồm (cán bộ phụ trách, vận hành đài truyền thanh xã, công chức văn hóa- thông tin xã; Trung tâm VHTT&TT cấp huyện; Phòng VHTT cấp huyện; cán bộ phụ trách thông tin cơ sở của tỉnh Bắc Kạn và cán bộ kỹ thuật của đơn vị cung cấp và lắp đặt thiết bị hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, phần mềm hệ thống thông tin nguồn tỉnh). Hiện nay, các nhóm zalo này đang hoạt động rất hiệu quả, có vấn đề về sự cố kỹ thuật hoặc khó khăn vướng mắc về đài truyền thanh của các xã, đều được cán bộ phụ trách thông tin cơ sở của Sở và cán bộ kỹ thuật của đơn vị cung cấp thiết bị trong nhóm zalo trao đổi, giải đáp kịp thời.

Mô hình đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn.

Mô hình đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn.

Đồng thời, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã hướng dẫn các xã, phường, thị trấn về thực hiện khung giờ phát sóng trên hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, nhằm thống nhất, đồng bộ về khung giờ phát sóng từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo phong phú nội dung tuyên truyền, có sự tham gia cung cấp nội dung tuyên truyền trên hệ thống thông tin nguồn của tỉnh từ 3 cấp người dùng tỉnh (Sở TT&TT, Đài PT-TH tỉnh), huyện (Trung tâm VHTT&TT huyện) và cấp xã, nhằm tránh lãng phí, trùng chéo việc đặt lịch khung giờ của các cấp người dùng và sử dụng tối đa nội dung tuyên truyền được cung cấp từ Cục Thông tin cơ sở.

Có thể nói, việc xây dựng hệ thống thông tin nguồn của tỉnh đồng bộ với hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã giúp cho địa phương thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý và vận hành đài và thực hiện tốt việc cung cấp nội dung cho hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Chất lượng âm thanh tại các cụm loa tốt, rõ ràng và đặc biệt không bị chèn sóng; không bị giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; giảm nguồn nhân lực, ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo chuyển thể từ văn bản sang giọng nói trong biên tập và sản xuất chương trình. Đến nay hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT đã đi vào hoạt động ổn định, nội dung tuyên truyền trên hệ thống phong phú, phát huy được hiệu quả sau đầu tư.

Tuy nhiên bên cạnh đó, hoạt động của Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như: Sóng 3G/4G ở một số nơi còn yếu, còn xảy ra tình trạng mất kết nối, không ổn định; một số cụm loa bị mất kết nối chưa được kịp thời xử lý do thời tiết, địa hình đi lại khó khăn, cán bộ phụ trách đài truyền thanh chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chuyên môn kỹ thuật để xử lý khắc phục sự cố kỹ thuật của các cụm thu; Đài truyền thanh xã ứng dụng CNTT-VT phải sử dụng SIM Data cho các cụm thu, mỗi cụm thu sẽ phải chi phí thuê bao SIM hằng năm (tùy thuộc vào số cụm thu nhiều hay ít), do đó mức kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên cho đài truyền thanh của một số xã chưa đảm bảo.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên và tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin nguồn và hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT đã được đầu tư. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; UBND cấp xã cần tăng cường công tác phối hợp, thực hiện tốt công tác bảo trì sau bảo hành để đảm bảo các cụm loa duy trì hoạt động ổn định. Đồng thời, tiếp tục đề xuất tăng mức kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của đài truyền thanh cấp xã; kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí từ nguồn Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đầu tư hạ tầng viễn thông cho các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai, xây dựng trạm BTS tại các điểm chưa có sóng 3G/4G đảm bảo phủ sóng di động cho 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.

Xem thêm