Giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân trong hiến đất xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00

Hộ nghèo cũng sẵn sàng hiến đất

Câu chuyện về các hộ Hoàng Đức Đanh, Chu Văn Thái, Nguyễn Văn Tạ, Đinh Thiện Viền… ở thôn Bản Giang, xã Thuần Mang (Ngân Sơn) là minh chứng tiêu biểu. Dù vẫn đang nằm trong diện hộ nghèo nhưng từ năm 2020 – 2021 các hộ trên đã hiến tổng cộng hơn 6.000m2 đất sản xuất, đất vườn để làm đường từ thôn Bản Giang qua thôn Lủng Coóc, xã Thuần Mang đến thôn Cốc Lùng giáp với xã Thượng Quan. Nhờ đó giúp cho hơn 300 hộ dân của các thôn bản của hai xã nói trên đi lại thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Thiện Viền chia sẻ: Hiến đất làm đường là chủ trương đúng của Đảng, hợp lòng dân nên khi được vận động, tuyên truyền gia đình tôi sẵn sàng hiến hơn 2.000m2 đất vườn đồi để mở đường. Trước kia chưa có đường thì người dân các thôn phía trong buôn bán lợn, gà, lúa, gạo… đều phải gánh vác ra bán rất vất vả, có tiền mua xe thì cũng không có đường đi. Nay đã khác rồi, cuộc sống khấm khá hơn nhờ có đường giao thông thuận lợi. Nhìn thấy người dân trong thôn, trong xã đi lại thuận tiện, kinh tế phát triển, mình cũng thấy phấn khởi.

Cũng tại huyện Ngân Sơn, con đường được mở mới đầu năm 2023 rộng 4m, dài hơn 7km đã được Nhân dân thôn Khuổi Khương, xã Thượng Quan hiến tặng 100% diện tích đất. Điều đáng ghi nhận là 100% các hộ dân ở Khuổi Khương hiện nay đều là hộ nghèo. Mong muốn có đường để đi lại dễ dàng, việc trao đổi, buôn bán sản phẩm nông sản của địa phương được thuận lợi nên các hộ dân đã đồng tình, ủng hộ để cùng Nhà nước mở đường.

Tại xã Quang Phong (Na Rì), 13 hộ dân của thôn Thôm Luổm và thôn Nà Vả đã hiến gần 3.000m2 đất để làm đường liên thôn dài hơn 2km. Nhân dân của hai thôn đóng góp vật chất và ngày công lao động để bê tông toàn tuyến đường với tổng giá trị gần 1,5 tỷ đồng (trong đó người dân đóng góp hơn 500 triệu đồng).

Việc hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, mở đường giao thông là vấn đề khó khi Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới không có nguồn vốn để thu hồi đất, đền bù cho người dân. Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công lao động để thực hiện.

Từ năm 2011 đến nay, Nhân dân các địa phương trong tỉnh đã hiến gần 500.000m2 đất, góp tiền mặt gần 30 tỷ đồng, đóng góp ngày công lao động và hiện vật với giá trị gần 230 tỷ đồng. Việc hiến đất, ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới đã thực sự lan tỏa ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Hài hòa lợi ích, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn đến nay cho thấy, người dân là lực lượng chính và trực tiếp tham gia, làm thay đổi diện mạo của nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước khai thác tiềm năng lợi thế ở địa phương.

Đồng chí Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Qua công tác giám sát đột xuất, định kỳ tại các huyện, thành phố cho thấy, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai từng bước theo kế hoạch và đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc giám sát cộng đồng trong vấn đề sử dụng nguồn lực của Nhà nước và người dân trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành... khi thực hiện các chương trình, dự án của Chương trình xây dựng NTM chưa thực sự được quan tâm và phát huy hiệu quả. Thậm chí có nơi khi người dân đã hiến đất nhưng cán bộ địa chính cấp xã còn lúng túng, không hướng dẫn người dân thực hiện điều chỉnh biến động đất đai, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai về sau sẽ phức tạp, khó giải quyết.

Do vậy, để chia sẻ quyền lợi của người dân, nghĩa là làm cho người dân được thụ hưởng từ cơ chế, chính sách của Nhà nước thông qua Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được hưởng lợi từ những thành quả của sự phát triển. Và khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn các lợi ích chính đáng sẽ tạo động lực thúc đẩy những người xung quanh và cộng đồng hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của xã hội.

Để làm được điều đó, sau giám sát, HĐND tỉnh đã kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, chính quyền địa phương chú trọng hơn nữa việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, hài hòa bảo đảm quyền lợi, lợi ích của người dân, đặc biệt là sau khi người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới./.

Xem thêm