Những ai có dịp đi trên tuyến Quốc lộ 3 qua khu vực đèo Gió, thuộc xã Vân Tùng (Ngân Sơn) đều thấy tấm biển to mang dòng chữ “Trang trại chăn nuôi Thảo Nguyên” ở bên đường. Trang trại có nhiều đặc sản đậm chất miền núi như gà của người Mông, lợn rừng, mật ong rừng, rượu ngô, cá… có thể làm hài lòng du khách tham quan.
Chủ trang trại là ông Tá Nguyên. Sau khi rời quân ngũ ông về địa phương tham gia Hội Cựu chiến binh của xã Vân Tùng liên tục trong 3 khoá. Năm 1983 ông mới nghỉ hẳn việc xã hội và tập trung cho phát triển kinh tế gia đình. Ông cũng là người tiên phong đưa cây hồng và quýt lên trồng tại đèo Gió; là một trong các hộ đầu tiên thực hiện trồng rừng theo Dự án 327 tại đây.
Ông Nguyên tâm sự: Trước đây khu vực này là những vạt đồi lau khô, đất đai cằn cỗi, độ dốc lớn bên dưới là khe sâu. Ông đã dày công cải tạo, biến nơi này thành những rừng trồng và đồi cây ăn quả. Với hơn 10ha đất đồi, ông cùng gia đình bắt tay vào trồng cây thông, tiếp đó ông trồng thêm 200 cây hồng, 500 cây quýt. Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục nuôi lợn nái sinh sản theo mô hình Dự án của tỉnh với sự hỗ trợ về giống, chuồng trại. Mô hình phát triển kinh tế hộ của gia đình ông đã được hình thành từ đây.
Trang trại chăn nuôi "Thảo nguyên xanh" trên đỉnh đèo gió xã Vân Tùng (Ngân Sơn) |
Với hiệu quả kinh tế từ đồi rừng và chăn nuôi mang lại, ông đã tiếp tục đầu tư vốn ra nuôi giống lợn rừng và gà của đồng bào Mông. Trang trại ngày càng được mở mang với những khu chăn thả lợn rừng, khu nuôi gà, vườn đồi trồng cây ăn quả và hơn 1.000m2 ao cá, hệ thống bể nuôi cá tầm khá quy mô...
Ông Nguyên tâm sự: Để có được trang trại quy mô như hôm nay, ông đã phải bỏ công sức hơn 20 năm. Không ít lần cầm những quả hồng, quả quýt trên tay mà ông ngán ngẩm vì được mùa thì mất giá; có năm giá hoa quả cao thì cây lại không đậu quả vì khí hậu ở đây khá khắc nhiệt. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi lợn, gà cũng không kém phần khó khăn, khí hậu lạnh rất dễ gây ra bệnh ở vật nuôi. Vì vậy ông phải thường xuyên chăm sóc, tiêm phòng bệnh cho lợn, gà.
Ông Tá Nguyên chủ trang trại chăn nuôi "Thảo nguyên xanh" đang chăm sóc cho đàn lợn rừng của mình |
Từ trang trại này, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông đã thu về hơn 100 triệu đồng, gia đình ông đã mua được xe ôtô du lịch, con của ông đều trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Khó khăn lớn nhất của gia đình ông Nguyên hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư cho phát triển chăn nuôi. Ông mong muốn được tiếp nhận sự hỗ trợ của các chương trình, dự án để mở rộng quy mô trang trại, mong muốn đây trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.
Nguyễn Nghĩa