Ghi nhận từ phong trào chăn nuôi ngựa bạch tại Lương Thành (Na Rì)
Cùng với một số địa phương của huyện Na Rì, mô hình chăn nuôi ngựa và ngựa bạch để phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều ở xã Lương Thành. Quy mô đàn ngựa tại đây dao động từ 100 – 130 con, trong đó số ngựa bạch hiện khoảng 50 con. Một số hộ có vốn đã nuôi từ 7 đến 9 con.
Cùng với một số địa phương của huyện Na Rì, mô hình chăn nuôi ngựa và ngựa bạch để phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều ở xã Lương Thành. Quy mô đàn ngựa tại đây dao động từ 100 – 130 con, trong đó số ngựa bạch hiện khoảng 50 con. Một số hộ có vốn đã nuôi từ 7 đến 9 con.
Gia đình ông Lý Văn Sình, thôn Nà Kèn là một trong những hộ nuôi ngựa bạch điển hình ở xã với 9 con ngựa bạch. Được biết, trước kia cũng như nhiều bà con ở thôn Nà Kèn, cuộc sống của gia đình ông Sình gặp nhiều khó khăn, vất vả, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên chẳng được là bao. Thấy chăn nuôi ngựa có thể đem lại thu nhập cao, ông đã quyết tâm chọn nghề này. Hiệu quả kinh tế rất rõ, đối với ngựa bạch, giá trung bình đạt từ 30 - 40 triệu đồng/con. Do vậy đến nay gia đình ông đã gây giống và phát triển tổng đàn lên 9 con.
Thấy ông Sình nuôi ngựa bạch thành công, làng trên xóm dưới bắt đầu tìm hiểu và làm theo. Nhà ít vốn thì nuôi 1 – 2 con, nhà nhiều vốn thì 3 – 4 con trở lên. Nhờ nuôi ngựa và đặc biệt là nuôi ngựa bạch, một số hộ ở xã Lương Thành đã thoát khỏi cảnh khó khăn và trở nên khá giả, nhiều hộ có thu nhập ổn định từ 20 – 30 triệu đồng/năm. Mô hình này tiếp tục mở ra hướng làm ăn mới trên vùng đất thuần nông xã Lương Thành.
Theo các hộ dân cho biết, nuôi ngựa chủ yếu tận dụng các diện tích đồng cỏ nên rất phù hợp với vùng nông thôn miền núi. Trong khi đó, nuôi ngựa bạch có lãi cao hơn nhiều lần so với nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm; việc thu hồi vốn lại nhanh và có thị trường ổn định. Từ chăn nuôi ngựa đã giúp nhiều gia đình trên địa bàn xã Lương Thành nâng cao thu nhập, mua sắm được nhiều vật dụng, tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình và hỗ trợ việc học tập của con em trên địa bàn.
Gia đình ông Lý Đức Thuận là một điển hình như thế. Ông Thuận cho biết: Nếu chỉ chờ nguồn thu từ nghề nông sẽ rất khó cho việc chu cấp cho các con đang theo học chuyên nghiệp. Nhưng hiện nay gia đình chỉ cần bán 1 – 2 con ngựa là có thể hỗ trợ kịp thời cho các con trong cả một năm học. Cũng nhờ nuôi và bán ngựa nên gia đình không phải vay ngân hàng, mà con cái vẫn có thể theo học tại các trường chuyên nghiệp. Giống như gia đình ông Thuận, các hộ Lý Văn Khấu, Trần Văn Khò... cũng vươn lên khá giả từ mô hình chăn nuôi ngựa bạch. Nuôi ngựa đã trở thành phong trào ở xã Lương Thành với trên 20 hộ tham gia thực hiện và đều cho hiệu quả kinh tế cao.
 |
Nuôi ngựa bạch mang lại thu nhập khá cho nông dân xã Lương Thành |
Ông Hoàng Quốc Quản, Chủ tịch UBND xã Lương Thành cho biết: Những năm gần đây, khi việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi được huyện khuyến khích, thì mô hình chăn nuôi ngựa là hướng phát triển mới mà hiệu quả kinh tế lại cao. Phát triển đàn ngựa đã trở thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã và được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ địa phương. Theo đó, xã phấn đấu tổng đàn ngựa trên địa bàn đạt 150 con trong năm 2011, hiện toàn xã đã có 136 con trong đó đã có 50 con ngựa bạch. Xã tiếp tục khuyến khích bà con phát triển và coi đây là hướng xoá đói giảm nghèo có hiệu quả của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Lương Thành cho biết thêm: Chăn nuôi ngựa không khó do nguồn thức ăn đơn giản, sẵn có tại địa phương; ngựa có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật và thích nghi với mọi điều kiện thời tiết khí hậu, rất phù hợp cho việc mở rộng quy mô chăn nuôi. Hơn thế nữa, hiện nay thị trường tiêu thụ ngựa mạnh, nguồn cung không đủ cầu, giá khá cao nên lợi nhuận từ chăn nuôi ngựa nhất là đối với ngựa bạch rất hấp dẫn. Nếu giá một con ngựa màu đạt trên 20 - 30 triệu đồng/con, thì một con ngựa bạch bán được với giá trên 40 triệu đồng/con. Ngoài việc nuôi bán ngựa giống và ngựa thịt đều mang lại hiệu quả kinh tế, thì bà con còn có thể nấu cao ngựa bạch và có thêm thu nhập, ít nhất cũng lãi thêm trên 10 – 20 triệu đồng/con. Như vậy, việc nuôi ngựa, nhất là nuôi ngựa bạch có thể giúp bà con nông dân xoá đói, giảm nghèo rất có hiệu quả.
Xã Lương Thành còn là xã nghèo của huyện Na Rì, bởi vậy với hiệu quả kinh tế mang lại, nghề chăn nuôi ngựa nhất là nuôi ngựa bạch đang là hướng đi đúng đắn giúp bà con nơi đây thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Chính quyền địa phương cũng đang tích cực khuyến khích nông dân phát triển theo mô hình này. Tuy nhiên, chăn nuôi ngựa nói chung và ngựa bạch nói riêng đòi hỏi vốn ban đầu lớn, đây chính là một thách thức không nhỏ đối với các hộ dân ở xã Lương Thành trong việc mở rộng về quy mô chăn nuôi. Hơn nữa, ngựa bạch là loài gia súc quý hiếm nên việc mua ngựa giống không phải lúc nào cũng thuận lợi , việc nhân giống ngựa bạch khó hơn so với ngựa màu.
Mặc dù hiện nay một số hộ ở xã Lương Thành cũng nhân giống thành công vật nuôi này ngay tại địa phương, tuy nhiên số con giống còn ít so với nhu cầu chăn nuôi. Hiện trong tổng đàn ngựa chỉ có 50 con là ngựa bạch, trong khi nhu cầu nuôi ngựa bạch cao hơn rất nhiều. Bởi vậy, nông dân xã Lương Thành rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng trong việc định hướng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, nhân giống và bảo tồn nguồn gen đối với đàn ngựa bạch địa phương. Ngoài ra, bà con cũng cần có những kiến thức nhất định về thú y, để có thể chủ động phòng chữa bệnh cho ngựa; nhất là đối với các loại bệnh về tụ huyết trùng, siêu mao trùng, ký sinh trùng máu trên đàn ngựa.
Anh Thuý