GẶP TIÊN TRÊN NÚI “MẺ NÀNG”

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tác phẩm đạt giải Ba Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.

Từ xa xưa, tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn có một ngọn núi cao, từ xa nhìn lên, đỉnh núi như đội một chiếc mũ làm từ mây trắng, bồng bềnh, thơ mộng. Dưới chân núi là ngôi làng nhỏ của đồng bào người dân tộc Tày sinh sống. Trong đó có gia đình vợ, chồng tiều phu nghèo, quanh năm chỉ biết bán củi để đổi gạo muối qua ngày. Hai ông bà mãi mới sinh được mụn con gái, vậy nên dù cuộc sống khó khăn nhưng vẫn yêu thương, chiều chuộng hết mực.

Năm tháng trôi đi, tóc ông bà chuyển màu, nếp nhăn hằn trên khuôn mặt cũng là lúc cô con gái trở thành thiếu nữ. Dù sống trong điều kiện thiếu thốn, nhưng cô gái càng lớn càng xinh đẹp. Mái cô tóc đen dài như suối, làn da trắng như ngọc, khuôn mặt thanh tú với đôi môi chúm chím như nụ hoa. Chẳng biết là thật hay giả, mọi người trong làng vẫn hay trêu: “Con gái ông bà tiều phu đẹp như tiên trên núi”.

Núi Nàng Tiên Minh hoạ: Quang Duy

Núi Nàng Tiên

Minh hoạ: Quang Duy

Hôm ấy, cô gái đi vào rừng kiếm củi, khi trời đã xẩm tối, bỗng nghe tiếng động lớn, ngọn núi rung chuyển. Quá hoảng sợ, cô bỏ gánh củi toan chạy vội về nhà. Nhưng khi đến chân núi lại phát hiện một chiếc hang lạ, cô thầm nghĩ: Lạ quá, mình đi lại qua đây hằng ngày, sao hôm nay mới thấy lỗ hổng to này, chắc chắn tiếng động vừa xong từ đây mà ra. Biết đâu bên trong lại có vật quý.

Với suy nghĩ đó, cô gái trẻ đốt bó đuốc nhỏ, lần mò đi vào trong. Càng đi, càng thấy lòng hang mở rộng hơn. Được một đoạn, bỗng thấy có ánh sáng phát ra từ phía trong. Dưới ánh sáng dìu dịu là năm nàng tiên xiêm y lộng lẫy, khắp người tỏa ra hương thơm đang ngồi buồn bã. Mải ngắm các nàng tiên, cô gái không để ý bó đuốc đã cháy gần hết, đến khi bàn tay nóng ran mới hốt hoảng kêu lên. Thấy có người lạ, các nàng tiên giật mình chạy lại, dịu dàng hỏi lại và trò chuyện với cô gái trẻ.

Hóa ra, năm nàng tiên là người nhà trời, hôm nay được xuống trần gian chơi, nhưng mải ngắm phong cảnh mà quên cả thời gian. Ngọc hoàng thương tình, tạo ra một cái hang để các cô tiên trú ngụ đợi mai trời sáng sẽ lại bay về. Trong lúc hỏi chuyện, nghe các nàng tiên kể về cuộc sống sung sướng, no đủ trên nhà trời, cô gái trẻ xin được lên theo để hết nghèo, hết khổ. Đắn đo một lát, các cô tiên đồng ý, vì cô gái trông xinh đẹp, đáng yêu, nhà trời cũng đang cần người nấu cơm, gánh nước.

Vậy là sáng hôm sau khi đất trời vẫn mờ sương sớm, các cô tiên đưa theo con gái tiều phu bay qua những đám mây xanh. Ở trên trời, cô gái được ăn ngon, mặc đẹp, hằng ngày gánh nước, làm cơm, phụ giúp các nàng tiên phơi thuốc, dệt vải, đan nắng chiếu xuống trần gian. Tại đây, cô gái còn học được cách làm món bánh lạ làm từ “hạt nắng”, bánh có màu trắng, hình tròn và được cán mỏng, hương vị rất ngon, mềm và thanh mát. Đến khi tìm hiểu cô gái mới biết “hạt nắng” là những hạt ngô trắng trong, lấp lánh. Cô trộm nghĩ “Nếu bố mẹ được ăn thứ bánh làm từ ngô như này chắc sẽ thích lắm”.

Đến ngày thứ ba, cô gái được theo chân các nàng tiên đi hái thuốc. Đứng trên đám mây, bước xuống ngọn núi cao, cô ngạc nhiên khi các nàng tiên bảo đây là ngọn núi nơi cô sinh sống. Tại đây có rất nhiều cây thuốc quý từ lâu đời, có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Trong lúc ngồi nghỉ ngơi, cô gái trẻ bỗng thấy loại quả quen thuộc, thức quả ấy có màu xanh nhạt, chỉ nhỏ bằng ngón tay. Cô giơ tay hái, cho vào miệng, khi vị chua, đắng và ngọt hòa lẫn cô òa lên khóc nức nở. Ngày cô còn bé, cha mẹ mỗi khi đi lấy củi trở về đều lấy từ trong túi ra cho cô món quà của rừng này, dù khó khăn ra sao, cô cũng đã được lớn lên trong tình yêu thương gia đình. Cô nhận ra, dù có sống đủ đầy mà không có cha mẹ cũng không vui vẻ, hạnh phúc.

Nghe cô kể chuyện và cầu xin, các nàng tiên thương tình đồng ý cho cô trở về làng. Trước khi cô xuống núi, các nàng tiên đưa cho cô gói bánh “hạt nắng” để ăn dọc đường, dặn cô nhanh nhanh trở về nhà vì một ngày ở trên trời bằng một năm dưới trần gian. Đường núi gập ghềnh, khó khăn, hiểm trở. Vì quá nóng lòng gặp cha mẹ, cô bước đi băng băng, mặc cho chân bị gai cào, đá nhọn làm rớm máu. Ở những nơi máu thấm xuống đất, mọc lên những cây xanh, đến mùa thu lá chuyển màu đỏ, như nhắc về tình cảm gia đình sum họp quý báu.

Khi cô về, bản làng đã đổi khác rất nhiều, chạy đến nhà thấy hai ông bà cụ tóc bạc trắng, chống gậy đứng nhìn về phía ngọn núi cao. Thấy cô trở về vẹn nguyên, xinh đẹp, ông bà hết sức vui mừng, không tin vào mắt mình. Cả làng kéo đến hỏi thăm, chúc mừng gia đình ông bà tiều phu, đồng thời ngạc nhiên không ngớt khi nghe cô kể lại những chuyện đã qua. Những ngày sau đó, nhờ học ở trên trời, cô gái đã lấy hạt ngô về giã thành bột, nặn thành hình tròn và hấp bánh trên bếp lửa bập bùng rồi đem ra chợ bán. Món bánh lạ được mọi người hết sức ưa chuộng, yêu thích, nhiều người đã đến học cách làm và lưu truyền đến ngày nay.

Từ đó, ngọn núi ở thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì có tên là núi Mẻ Nàng, dịch ra tiếng Việt nghĩa là núi Nàng Tiên. Nếu có dịp leo núi, sẽ thấy dọc đường đi có rất nhiều cây phong lá đỏ nhắc về truyện xưa. Lên đến đỉnh núi vào sáng sớm sẽ gặp mây trắng bao quanh như ở giữa tiên cảnh. Trên núi có rất nhiều quả mắc kham, hay còn gọi là me rừng, đây chính là thức quả năm xưa nhắc cô gái nhớ tình cảm cha mẹ giản dị, yêu thương. Hang động dưới chân núi mà năm xưa các nàng tiên trú ngụ cũng có tên Động Nàng tiên, là Di tích cấp Quốc gia. Bên trong động với những thạch nhũ lung linh, huyền ảo, có bàn đánh cờ bằng đá, có ghế ngồi bằng phẳng…

Nếu có dịp, mời bạn ghé thăm Núi nàng tiên, trải nghiệm hành trình leo lên đỉnh núi, chụp ảnh cùng lá phong đỏ, săn mây sáng sớm, và biết đâu sẽ may mắn được gặp những cô tiên dịu dàng đang hái thuốc cho nhà trời.

Tác giả: Duy Trí

SN 29, tổ 7, phường Phùng Chí Kiên,

thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Xem thêm