Gắp giun chui ống mật qua nội soi dạ dày

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Ông T.P.M 56 tuổi, ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn bị đau bụng dữ dội, nhập viện được các bác sĩ nội soi phát hiện con giun lớn chui vào ống mật.
Nội soi đại trực tràng và xử trí gắp giun chui ống mật cho người bệnh T.P.M.

Nội soi đại trực tràng và xử trí gắp giun chui ống mật cho người bệnh T.P.M.


Ngày 09/1, ông T.P.M xuất hiện các triệu chứng đau từng cơn vùng bụng kèm nôn ói. Nghĩ đau dạ dày, ông uống mật ong nhưng cơn đau càng dữ dội hơn. Sau đó, ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn thăm khám. Nghi viêm ruột thừa cấp, ông được chỉ định nhập viện để theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp.

Sau khi siêu âm vùng bụng không phát hiện bất thường, các bác sĩ đã chỉ định nội soi dạ dày tại khoa Thăm dò chức năng. Qua nội soi phát hiện có nhiều giun, trong đó có 1 con giun đũa dài khoảng 20cm, cắm sâu một đầu vào đường mật. Ngay lập tức, người bệnh được ekip khoa Thăm dò chức năng dùng kìm kẹp gắp giun theo ống nội soi ra ngoài. Sau nội soi người bệnh hết đau bụng, tổng trạng tốt.

Bác sĩ Đặng Thị Nga, khoa Thăm dò chức năng cho biết: Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời đã giúp giảm đến mức tối đa các biến chứng nguy hiểm do giun chui ống mật. Nếu phát hiện chậm, giun chết trong ống mật thì khó có thể nội soi gắp ra hoàn toàn, về sau xác giun vôi hóa có thể gây ra viêm tụy cấp, viêm tắc mật, nhiễm khuẩn đường mật...

Tỷ lệ nhiễm giun vẫn khá phổ biến ở những vùng có điều kiện vệ sinh kém, mức sống thấp, nhất là vùng nông thôn. Theo các bác sĩ, nhiễm giun đũa có thể do ăn rau sống chưa rửa sạch, không vệ sinh tay trước khi ăn, không có nhà tiêu hợp vệ sinh... Để phòng bệnh, người dân nên thay đổi lối sống, ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, nâng cao thể trạng và khám sức khỏe khi có dấu hiệu nghi ngờ./.

Xem thêm