Gánh nặng "mang tiền về cho cha mẹ" của những học sinh nghèo nơi rẻo cao- Kỳ cuối: Chính sách hỗ trợ cần đúng, đủ, kịp thời

Gánh nặng "mang tiền về cho cha mẹ" của những học sinh nghèo nơi rẻo cao- Kỳ cuối: Chính sách hỗ trợ cần đúng, đủ, kịp thời

 

Thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2021 - 2022, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ 65.695 học sinh, với tổng số tiền trên 387 tỷ đồng và trên 8.550.000kg gạo. Chính sách hỗ trợ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia học tập, nhất là học sinh thuộc vùng đặc biệt khó khăn, góp phần huy động học sinh ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện. Đến năm 2020 - 2021, tỷ lệ học sinh bỏ học cấp tiểu học giảm 0,001%, THCS giảm 0,41%, THPT giảm 0,88% so với năm học 2015 - 2016; tỷ lệ học sinh tiểu học chưa hoàn thành giảm 0,006%.


 

Đã hơn 1 tháng nay, kể từ ngày bố mẹ quyết định cho vào ở Trường PTDT bán trú THCS Xuân Lạc, em Hầu Thị Xuyến ở thôn Nà Bản, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) không còn phải dậy từ sớm để “cuốc bộ” tới trường. Trước đây để kịp giờ vào lớp, Xuyến phải dậy từ 4h sáng, ăn uống qua loa rồi đi bộ 8km tới trường. Tan học, chiều tối em mới về đến nhà. Cả ngày đi lại 16km mệt lả, nhiều hôm trời mưa, đường trơn ngại không muốn đi học. Nay vào ở nội trú, cuộc sống, sinh hoạt, học tập của Xuyến tốt hơn rất nhiều.

Xuyến cho biết: “Ở trường, em thức dậy lúc 6h, tập thể dục, 6h30 ăn sáng, 7h lên lớp học, buổi trưa học xong là có bữa ăn đợi sẵn do các cô nuôi chuẩn bị. Một ngày em được ăn 3 bữa (sáng, trưa, chiều). Bữa cơm đầy đủ thức ăn, lúc nào cũng có 1 món mặn, thịt hoặc cá, rau xanh”. Nhà có 7 anh chị em, dưới Xuyến còn mấy em nhỏ đang học mẫu giáo và tiểu học nên bố mẹ không thể lo cho em đầy đủ như vậy được. Ở trường em có nhiều thời gian để vui chơi, học tập, củng cố kiến thức. Năm nay, lớp 9 cuối cấp, được các thầy cô giáo ôn tập, bổ sung kiến thức, buổi tối lên lớp học bài cũ, Xuyến thấy mình tự tin hơn trong học tập.

Em Triệu Thừa Xương, cũng học lớp 9, nhà ở thôn Nà Dạ, cách trường 7km. Năm nay em vào ở trong trường, sống trong môi trường tập thể, phòng có 10 bạn, hết giờ học chúng em được chơi thể thao, ăn cơm chiều, tiếp tục ôn bài, 21h30 cả phòng đi ngủ. Xương rất phấn khởi, cuối tuần em lại về thăm nhà, “Biết ở trong trường tốt như thế này em đã xin bố mẹ vào ở từ năm lớp 6, bố mẹ không cho em cũng thuyết phục bằng được”.

Đối với huyện Pác Nặm, nhiều học sinh vùng đặc biệt khó khăn, bố mẹ cho con học trong trường bán trú từ tiểu học, lên THCS đa số các em đã khá nền nếp, chất lượng học tập vì thế được nâng lên. Em Sùng Thị Hồng Mến, nhà ở thôn vùng cao Cốc Nọt, xã Công Bằng, nhà cách trường 11km, giao thông khó khăn. Ở bán trú từ năm lớp 3 tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Công Bằng, năm nay em học lớp 6, ở cấp tiểu học, 5 năm liền em đều là học sinh xuất sắc.

Em Ma Thị Duyên học lớp 7 tại Trường PTDT bán trú Công Bằng cũng được học bán trú từ lớp 3. Cấp tiểu học em đều hoàn thành xuất sắc, năm lớp 6 em thi học sinh giỏi môn Toán cấp huyện và đạt giải Khuyến khích. Duyên là một trong số học sinh thông minh, năng nổ trong mọi phong trào của nhà trường. Cô Đàm Phương Lan, Tổng phụ trách Đội của Trường PTDT bán trú THCS Công Bằng cho biết: “Đa số học sinh ở trường rất ngoan, lễ phép, nền nếp trong sinh hoạt. Nhiều em học lực khá tốt, có ý chí vươn lên, chủ động học tập, phát triển năng lực luôn được nhà trường khơi dậy trong bản thân mỗi học sinh”.

Năm học 2022-2023, thực hiện chủ trương đưa học sinh lớp 3 từ điểm trường về trường chính để học môn Tin học và Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Trường Tiểu học Bành Trạch (huyện Ba Bể) đã chuyển đổi thành Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch. Tạo điều kiện để đón 23 học sinh từ các điểm trường xuống ở nội trú, nhà trường đã sắp xếp, bố trí lại các phòng đồng thời kêu gọi, vận động được một số nguồn tài trợ mua sắm trang thiết bị cần thiết cho học sinh ở, sinh hoạt.

Cứ chiều thứ Sáu, anh Nguyễn Minh Hiếu nhà ở thôn Nà Nộc, xã Bành Trạch lại xuống trường đón con trai Nguyễn Văn Đức, lớp 3 đang học tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch. Chiều chủ nhật anh lại đưa con đến trường, chuẩn bị một tuần học mới. Đây là lần đầu tiên con trai đi học xa nhà. Ban đầu còn bỡ ngỡ, nhớ nhà, nhưng chỉ sau 3 tuần, con trai anh đã hoà nhập tốt với môi trường học tập, sinh hoạt ở đây.

Anh Hiếu cho biết: “Gia đình tôi thật sự biết ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc ở vùng cao được học hành, thầy cô thay cha mẹ chăm sóc các con rất tốt, chúng tôi yên tâm. Mong rằng các con học tập tiến bộ, biết cái chữ để đỡ khổ như bố mẹ”.

 
 

Tháng 7/2022, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tình hình thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 06/11/2016 của HĐND tỉnh Bắc Kạn từ năm 2016 đến nay. Đây là các văn bản quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn, đặc biệt khó khăn.

Một trong những hạn chế sau 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ theo các quy định này được Đoàn giám sát chỉ ra như: Công tác chi trả chế độ hỗ trợ cho học sinh còn chậm, chưa kịp thời xảy ra ở một số địa phương. Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 116 nêu rõ “Kinh phí hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà cho học sinh được chi trả, cấp phát hàng tháng”. Tuy nhiên, hầu hết các trường không chi trả, cấp phát hằng tháng cho học sinh theo quy định mà chi trả vào cuối học kỳ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến gia đình học sinh vùng đặc biệt khó khăn khó xoay sở tiền để đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cho các em hằng ngày, bữa ăn thiếu thốn, kham khổ của các em có nguyên nhân chính từ đây. Đến cuối học kỳ mới được thanh toán, lúc này tiền của cả nửa năm học dồn lại, đối với không ít gia đình vùng đặc biệt khó khăn thì đây là một khoản tiền khá lớn đối với họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được khoản tiền hỗ trợ đó của Nhà nước là cho các con ăn học, một số cha mẹ lại lấy tiền đó sử dụng vào việc khác.

Đối với các nhà trường có học sinh ở nội trú, tiền hỗ trợ của học sinh cấp theo học kỳ gây khó khăn cho công tác chi trả tiền mua thực phẩm, chất đốt để phục vụ bữa ăn cho các em. Nhiều trường phải chạy đôn, chạy đáo tìm nguồn cung cấp, thậm chí phải thuyết phục tư thương bán “chịu”. Chắc chắn, giá thực phẩm khi trả tiền theo tháng sẽ thấp hơn so với việc trả sau một học kỳ 5 tháng. Giá tăng sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn của học sinh.

Để khắc phục tình trạng này, Đoàn Giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông bán trú, trường có học sinh bán trú tuyên truyền về các chế độ, chính sách của Chính phủ để người dân hiểu và nắm rõ. Hướng dẫn thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ hằng tháng theo đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện chi trả các nội dung hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.

Trên cơ sở những kiến nghị của Đoàn giám sát, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 02 văn bản (số 1633/SGDĐT-KHTC ngày 12/7/2022 và số 1994/SGDĐT-KHTC ngày 22/8/2022), yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm các quy định về chi trả chế độ hỗ trợ cho học sinh theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 54/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Từ năm học 2022-2023 phải chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo tháng.

Đồng chí Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chợ Đồn đánh giá: Trường học bán trú là một trong những mô hình giáo dục phát huy hiệu quả tích cực, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục miền núi còn nhiều khó khăn. Nhờ có trường bán trú mà các học sinh vùng cao được học hành, chăm sóc, dạy dỗ đến nơi đến chốn, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

Nhằm đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là đối với các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc ít người cao như xã Xuân Lạc, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan chuyên môn, Đảng ủy xã Xuân Lạc quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc học tập nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế nâng cao thu nhập. Chỉ đạo UBND huyện quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường; tăng cường các hoạt động huy động các nguồn lực xã hội hóa.

Trường PTDT bán trú THCS Xuân Lạc là mô hình trường PTDT bán trú THCS đầu tiên của huyện Chợ Đồn, mặc dù ban đầu gặp phải những khó khăn trong việc vận động học sinh đến ở nội trú, nhưng sau khi nắm bắt tình hình, chỉ đạo sát sao, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lạc và nhà trường tăng cường các hoạt động phối hợp tuyên truyền vận động học sinh ra lớp. Đến nay, trường đã thu hút được hơn 100 học sinh vào ở nội trú. Trong thời gian tới, khi cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư, công tác vận động lại được tiến hành để tiếp tục vận động trên 100 học sinh thuộc đối tượng được hưởng chế độ chính sách vào trường yên tâm học tập, sinh hoạt.

 

Đối với vấn đề chậm chi trả tiền chính sách hỗ trợ cho học sinh, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát lại các bước, quy trình xét duyệt hồ sơ, thủ tục hành chính, vướng ở chỗ nào, giải quyết dứt điểm ở đó. Quan điểm chính sách phải sớm được giải quyết, kịp thời đối với đối tượng thụ hưởng là học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vì có khó khăn các em mới cần đến sự trợ giúp từ chính sách của Nhà nước./.

(Hết)

Phương Thảo

Xem thêm