Gánh nặng "mang tiền về cho cha mẹ" của những học sinh nghèo nơi rẻo cao- Kỳ 3: Phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú

Gánh nặng "mang tiền về cho cha mẹ" của những học sinh nghèo nơi rẻo cao- Kỳ 3: Phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú

 
 

Tiếp nối những kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XI) về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, ngày 12/8/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TU về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng đề ra là “Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025”.

Triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển giáo dục trong từng giai đoạn, hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, thông qua các chương trình kế hoạch hành động, ban hành các cơ chế chính sách, đặc biệt là việc quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, củng cố trường lớp học nhất là cơ sở vật chất cho các trường phổ thông bán trú ở địa bàn các xã có nhiều thôn đặc biệt khó khăn… Vì vậy, trong những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số miền núi của Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực: Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm.

 
 

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 29 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trong đó 16 trường PTDTBT THCS, 09 trường PTDTBT tiểu học, 04 trường PTDTBT tiểu học và THCS. Tỉnh Bắc Kạn đang chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát các trường học để chuyển đổi các trường phổ thông công lập đủ điều kiện sang trường PTDT bán trú theo quy định, nhằm tạo điều kiện đưa các học sinh ở điểm trường về trường chính thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tạo điều kiện để học sinh vùng cao được tiếp cận các môn học mới như Tin học, Tiếng Anh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh bố trí trên 158 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư cơ sở vật chất cho 28 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú.

Pác Nặm là huyện vùng cao của tỉnh, có 10/10 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tuy nhiên, đây lại là nơi thực hiện khá sớm mô hình trường phổ thông bán trú, do xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân nơi đây khao khát, mong muốn con cái được học hành.

Năm 2009, 02 ngôi trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở đầu tiên của huyện thành lập ở xã Công Bằng, sau khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn Khên Lền, với nhiều mất mát đau thương khiến người dân phải sơ tán đến nơi ở mới. Sau này Nhà nước đầu tư khu tái định cư để các hộ dân ổn định lại cuộc sống.

Từ hiệu quả mô hình trường phổ thông bán trú ở Công Bằng, đến nay huyện Pác Nặm đã thành lập được 10 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có 02 trường tiểu học, 06 trường THCS và 02 trường liên cấp tiểu học và THCS cho trên 3.200 học sinh ở bán trú. Mạng lưới trường phổ thông bán trú THCS gần như có ở tất cả các xã của Pác Nặm. Có được kết quả đó là nhờ sự mạnh dạn quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ông Dương Văn Tuyến, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm cho biết: “Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền huyện Pác Nặm xác định, bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo thì giáo dục đào tạo là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt, bởi con người là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế. Dù điều kiện hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng con người có kiến thức, có ý chí thì sẽ biến những điều không thể thành có thể. Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, kể cả ở giai đoạn trước mắt và lâu dài thì giáo dục đào tạo sẽ là nơi tạo ra các thế hệ tương lai có năng lực, trình độ, đó chính là nguồn lực quan trọng đáp ứng cho sự phát triển của địa phương.

Vì vậy, trong những năm qua, huyện luôn dành sự quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường học, nhất là các trường bán trú, tạo điều kiện cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm học tập. Các trường phổ thông dân tộc bán trú đã từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực giảng dạy… Quan điểm chỉ đạo đó đã nhận được sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị của huyện và cụ thể hoá bằng những chương trình hành động cụ thể, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục đào tạo của địa phương”.

Bí thư Huyện ủy Pác Nặm cho biết thêm: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đối với mục tiêu xây dựng mới 03 trường đạt chuẩn quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì phổ cập giáo dục...Thường trực Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện, Đảng ủy xã, UBND các xã tập trung triển khai đồng bộ những giải pháp đã đề ra, trên tinh thần tổ chức thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả, nhằm từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất trường học, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của con em đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương./. (Còn nữa)

Phương Thảo

Xem thêm