Dự án "Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pác Nặm” đạt giải Khuyến khích Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp xanh"

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Trong hai ngày 28, 29/10, tại Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) diễn ra vòng Chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp xanh" lần thứ 9, năm 2023. 
Đại diện Tỉnh đoàn Bắc Kạn và các thí sinh của tỉnh Bắc Kạn tại cuộc thi.

Đại diện Tỉnh đoàn Bắc Kạn và các thí sinh của tỉnh Bắc Kạn tại cuộc thi.

Tranh tài tại vòng chung kết có 37 dự án đến từ 25 tỉnh, thành trên cả nước. Năm nay Bắc Kạn có 3 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi, gồm: Dự án "Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pác Nặm" của chị Cà Thị Bày (Pác Nặm); dự án "Chăn nuôi chế biến kinh doanh các sản phẩm từ ốc nhồi" của anh Nguyễn Tiến Sáu (Chợ Đồn); dự án "Chế biến trà (Chè) lam gác bếp từ chè Shan tuyết" của chị Đặng Thị Dất (Chợ Đồn).

Chị Cà Thị Bày (thứ 2 từ trái qua) với dự án "Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pác Nặm” đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi.

Chị Cà Thị Bày (thứ 2 từ trái qua) với dự án "Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pác Nặm” đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi.

Tại vòng chung kết cuộc thi, dự án "Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pác Nặm” của chị Cà Thị Bày (Pác Nặm) đã giành giải Khuyến khích trị giá 30 triệu đồng. Ngoài ra, dự án còn giành được 02 giải phụ là giải chụp hình sản phẩm chuyên nghiệp trị giá 10 triệu đồng và phiếu mua sắm vật tư nông nghiệp trị giá 10 triệu đồng.

Dự án của chị Cà Thị Bày là sản xuất rượu men lá thủ công với mục đích bảo tồn hương vị rượu truyền thống bằng những loại cây thảo dược bản địa của dân tộc Tày, sản xuất rượu men lá với hiệu suất cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, dự án có phương án mở rộng thị trường cụ thể và khả thi sẽ là nền tảng để người dân địa phương cùng nhau thực hiện và phát triển mô hình giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội,…

2 dự án còn lại của tỉnh Bắc Kạn cũng giành được các giải phụ gồm: Giải chụp hình sản phẩm chuyên nghiệp; giải hiệu ứng truyền thông; phiếu mua vật tư nông nghiệp.

BTC trao giải Nhất cho dự án "Kết nối con người với tự nhiên" đến từ tỉnh Đồng Tháp.

BTC trao giải Nhất cho dự án "Kết nối con người với tự nhiên" đến từ tỉnh Đồng Tháp.

Xuất sắc vượt qua 36 dự án tại vòng chung kết, nhóm tác giả Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quân và Lê Na đến từ Đồng Tháp với dự án "Kết nối con người với tự nhiên" đã xuất sắc giành giải Nhất trị giá 150 triệu đồng.

Dự án này được ra đời từ năm 2017 với mong muốn tạo ra những sản phẩm mới từ những nguyên liệu thiên nhiên và thân thiện môi trường có thể ứng dụng vào đời sống, đem lại giá trị kinh tế mới cho những phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp cụ thể là nguyên vật liệu xơ mướp.

Các mặt hàng chủ lực của dự án được làm từ xơ mướp như: Bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng; các sản phẩm chùi rửa nhà bếp; bộ sản phẩm bông tắm đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản và đã xuất khẩu ổn định sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.

Ngoài ra, BTC cũng trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích và các giải phụ cho các dự án đạt giải.

Các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Bắc Kạn đã được giới thiệu tại cuộc thi.

Các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Bắc Kạn đã được giới thiệu tại cuộc thi.

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức, cùng sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao…

Cuộc thi được phát động vào tháng 5/2023, đến cuối tháng 7, có 178 cá nhân và tập thể gửi dự án tham gia, đến từ 36 tỉnh, thành. Kết quả đã chọn ra 108 dự án vào vòng bán kết của 33 tỉnh, thành. Qua 3 vòng bán kết ở 3 khu vực là Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, cuộc thi đã tìm ra 37 dự án vào chung kết.

Xem thêm