Dong riềng tăng giá mạnh: Người dân vui, cơ sở chế biến tìm cách giữ vùng nguyên liệu

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Giá thu mua củ dong riềng trên địa bàn huyện Na Rì hiện dao động từ 2.300 – 2.500 đồng/kg. Đây là giá thu mua cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, mang lại niềm vui cho người trồng và đặt ra bài toán giữ vùng nguyên liệu đối với các cơ sở chế biến.
Giá bán cao giúp người trồng dong riềng ở Na Rì có thêm niềm vui.

Giá bán cao giúp người trồng dong riềng ở Na Rì có thêm niềm vui.

Người dân phấn khởi

Nhiều năm nay, 1.000m2 vườn trước cửa được gia đình ông Chu Văn Chấn, thôn Chè Cọ, xã Côn Minh thâm canh cây dong riềng. Vụ năm nay, vợ chồng ông Chấn và nhiều bà con trong xã vui mừng vì giá thu mua củ dong riềng tăng vọt so với những niên vụ trước.

Ông Chấn phấn khởi: “Trồng dong riềng chỉ cần bán được 1.700 đồng/kg trở lên là người dân có lãi, với mức thu mua dao động từ 2.200 – 2.500 đồng/kg thì bà con vui lắm. Cơ sở chế biến xuống tận nơi thu mua củ dong nên đỡ công vận chuyển. 1.000m2 dong riềng chăm sóc tốt nên thu được gần 9 tấn củ, bán được gần 20 triệu đồng”.

Cơ sở chế biến có lịch thu mua nên dù trời rét, gia đình bà Triệu Thị Phong, thôn Thanh Sơn, xã Sơn Thành vẫn tập trung nhân lực để thu hoạch củ dong riềng. Theo bà Phong chia sẻ, dù năm nay bị hạn ảnh hưởng đến năng suất nhưng khoảng 3.000m2 dong riềng của gia đình vẫn dự kiến thu được hơn 30 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô. Nếu giá thu mua năm tới ổn định, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dong riềng.

Không riêng ông Chấn, bà Phong, niềm vui được giá là cảm xúc chung của nhiều hộ trồng dong riềng ở Na Rì. Đây được xem là động lực để người dân trong huyện có thể mở rộng diện tích loại cây trồng này niên vụ tới.

Để bảo đảm nguyên liệu sản xuất, nhiều cơ sở chế biến miến dong của huyện Na Rì đã chủ động đến tận các hộ dân để thu mua củ dong.

Để bảo đảm nguyên liệu sản xuất, nhiều cơ sở chế biến miến dong của huyện Na Rì đã chủ động đến tận các hộ dân để thu mua củ dong.

Cơ sở chế biến lo giữ vùng nguyên liệu

Công suất 350 tấn năm, HTX Tài Hoan (Côn Minh) là cơ sở chế biến miến dong lớn nhất của huyện Na Rì. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, từ nhiều năm nay, HTX đã ký kết bao tiêu 70ha dong riềng của khoảng 600 hộ dân Côn Minh và địa phương lân cận. Dù gắn kết khá mật thiết với người dân vùng nguyên liệu nhưng HTX Tài Hoan vẫn chú trọng, chủ động giữ vùng nguyên liệu.

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan thông tin: “Cuối năm là thời điểm HTX phải tăng công suất để phục vụ thị trường Tết và xuất khẩu, nếu không có nguyên liệu thì nhiều hợp đồng đã ký có thể bị “vỡ”. Vì thế chúng tôi đã chủ động điều chỉnh tăng giá thu mua từ 1.900 đồng/kg đầu vụ lên 2.300 – 2.500 đồng/kg dong riềng ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, HTX cũng đưa xe đến tận các thôn để giúp hộ dân vận chuyển về xưởng”.

Là cơ sở sản xuất miến dong nhỏ ở thôn Bản Lài, xã Côn Minh nhưng mỗi ngày anh Nông Văn Đô vẫn thu mua khoảng 4 – 5 tấn củ dong nguyên liệu để phục vụ cho vụ Tết. Thay vì ngồi đợi bà con chở dong riềng đến tận nhà bán như mọi năm, anh Đô đã chủ động đi thu mua tại các thôn trong xã.

Nguyên nhân khiến giá củ dong năm nay tăng cao vì diện tích trồng trên địa bàn Na Rì giảm mạnh. Toàn huyện chỉ trồng được 176ha trên tổng số 300ha theo kế hoạch, giảm gần 70ha so với năm 2022. Thêm vào đó, có một số tư thương từ địa phương khác đến thu mua trong vùng nguyên liệu. Không chỉ đưa ra giá thu mua cao hơn, thậm chí tư thương còn mua cả những củ dong riềng không cần cắt rễ. Điều này một mặt giúp thị trường tiêu thụ cây dong riềng sôi động, mang lại lợi ích cho người dân nhưng cũng đặt bài toán giữ vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến miến dong của huyện. Không chỉ là điều chỉnh giá thu mua, chủ động tổ chức thu mua tận thôn, bản mà phải tăng cường mối gắn kết với người trồng.

Tăng cường liên kết

Nắm bắt được hiện trạng trên, vào giữa tháng 11, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện mời các HTX, UBND xã họp để thống nhất, tuyên truyền người dân thực hiện đúng cam kết đã ký với các HTX. Đồng thời cũng khuyến nghị các HTX cần điều chỉnh giá thu mua sát với giá thị trường và các chính sách ưu đãi khác.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì, bà Hoàng Thị Thu Nguyệt cho biết: Giá bán dong riềng năm nay tăng mạnh giúp người trồng phấn khởi, tạo đà cho huyện phấn đấu tăng diện tích trồng niên vụ tới. Nhưng điều này cũng đặt ra nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất cho các cơ sở chế biến miến dong của huyện, do tư thương bên ngoài tham gia thu mua. Thực tế này cho thấy, phần lớn lượng củ dong tư thương thu mua được nằm ở diện tích không có liên kết giữa cơ sở chế biến với người dân.

Để phát triển bền vững, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện sẽ tuyên truyền đến các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn huyện về việc quan tâm phát triển vùng nguyên liệu, cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng dong riềng để bảo đảm có vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài./.

Xem thêm