Đón nhận Chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn

 
Sáng 29/12, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Miến dong Bắc Kạn. 
Quang cảnh buổi lễ.- ảnh: Quý Đôn
Quang cảnh buổi lễ.- ảnh: Quý Đôn
Dự lễ có đồng chí Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Phạm Phi Anh- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); PGS.TS Ngô Hồng Bình- Phó Viện trưởng Viện Rau quả; đại diện các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng.
Về phía tỉnh có các đồng chí Nguyễn Xuân Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Ngọc Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh’ lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị; đại diện các hộ trồng, các đơn vị kinh doanh, chế biến quýt và dong riềng.  
Khai mạc buổi lễ, đồng chí Hoàng Ngọc Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh việc bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái, tỉnh đã quan tâm phát huy những tiềm năng lợi thế so sánh để phát triển một số cây trồng đặc sản của địa phương, nên bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao như cam quýt tại Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể (1.300 ha); dong riềng ở Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông, Pác Nặm...(1.848 ha); hồng không hạt tại Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn (450ha)…. góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. 
Tỉnh đã có Chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt Bắc Kạn, Nhãn hiệu tập thể gạo Bao Thai Chợ Đồn được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận bảo hộ năm 2010. Chính vì vậy, để tiếp tục khai thác và phát huy những cây trồng đặc sản của tỉnh như Quýt và Miến dong…, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị Cục sở hữu trí tuệ-Bộ KH&CN xem xét cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn. Đến nay Chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ khẳng định danh tiếng, giá trị đặc thù của sản phẩm tại Bắc Kạn. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng vừa là trách nhiệm trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển những cây trồng, sản phẩm nông sản có giá trị của địa phương. 
Đồng chí Phạm Phi Anh Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao Chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn cho tỉnh Bắc Kạn.- ảnh: Quý Đôn
Đồng chí Phạm Phi Anh Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao Chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn cho tỉnh Bắc Kạn.- ảnh: Quý Đôn
Tại buổi lễ, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố, trao Quyết định Chứng nhận chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn cho tỉnh Bắc Kạn. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Phi Anh Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ niềm vui với tỉnh Bắc Kạn khi được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn. Đại diện Hợp tác xã Chế biến Miến dong Côn Minh (Na Rì) và hộ trồng quýt tại xã Quang Thuận (Bạch Thông) đã khẳng định sẽ nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế để đưa hai sản phẩm ra thị trường, từng bước làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương. 
Sản phẩm quýt Bắc Kạn được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả Việt Nam triển khai dự án Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý. Theo kết quả nghiên cứu, quýt Bắc Kạn có vỏ quả màu vàng tươi, ít hạt, sơ bã tan, đặc biệt có mùi thơm hấp dẫn khác biệt hẳn với các loại quýt khác. Giống quýt Bắc Kạn đã từng được đem trồng thử ở nhiều nơi nhưng không đâu có chất lượng bằng trồng ở Bắc Kạn. Trên cơ sở này, lô gô cho sản phẩm mang tên quýt Bắc Kạn đã ra đời. Viền xanh bao quanh hình trái quýt mang hình chữ Q thể hiện tên quýt trong tiếng Việt và Quality nghĩa là chất lượng trong tiếng Anh. Tháng 11/2012, Chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm quýt Bắc Kạn chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp.
Sản phẩm Miến dong Bắc Kạn được Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng, triển khai dự án Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Các cán bộ dự án đã tập trung thu thập thông tin hàng hóa, dịch vụ, vùng sản xuất kinh doanh; xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể. Theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội Nông dân tỉnh; lô gô nhãn hiệu được thiết kế và lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành, hộ sản xuất, chế biến. Thông qua hội thảo thống nhất quy chế và lựa chọn lô gô đã xây dựng được tên hàng hóa, dịch vụ; dấu hiệu nhận biết; tên địa danh. Miến dong Bắc Kạn chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể vào tháng 10/2012. 
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi lễ.- ảnh: Quý Đôn
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi lễ.- ảnh: Quý Đôn
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp trong năm 2012 của tỉnh gặp nhiều khó khăn như diễn biến thời tiết phức tạp, mưa ít, rét muộn, lốc kèm theo mưa đá; diễn biến thời tiết phức tạp đầu tháng 5 gây 35 điểm cháy rừng. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng chung của toàn Đảng bộ, nhân dân nông nghiệp của tỉnh đạt được kết quả khá toàn diện. Ngô, lúa đều vượt kế hoạch về diện tích, sản lượng; bình quân lương thực đạt 547kg/người/năm. Cây hàng hóa thắng lợi về giá trị cây thuốc lá; sản lượng quýt; dong riềng đạt 18.48ha… Tựu chung nông nghiệp thắng lợi và càng ý nghĩa hơn khi tỉnh được đón nhận Chứng nhận chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn vào cuối năm. 
Tỉnh có lợi thế rất lớn về đa dạng sinh học tạo nên đặc trưng rõ nét là cây quýt Bắc Kạn chịu được canh tác độ dốc lớn; chịu bệnh; chịu thâm canh ở mức vừa; quả tan bã, mùi đặc trưng. Có Chỉ dẫn địa lý là cơ sở để tạo vùng hàng hóa. Trước hết phải hoàn thành quy hoạch vùng trồng lấy tâm điểm là Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (Bạch Thông) sang Chợ Đồn, Ba Bể với quy mô bước đầu 1.500ha; có chiến lược tạo thương hiệu cho sản phẩm, xúc tiến thương mại bằng hành động cụ thể. 
Ảnh: Quý Đôn
Ảnh: Quý Đôn
Cây dong riềng ở Bắc Kạn có năng suất cao nhất; tỷ lệ bột trồng trên đất Bắc Kạn tỷ lệ từ 20- 21%, có những nơi tới 27%, giống địa phương lên tới 28%; chất lượng miến dong của tỉnh khác hẳn các địa phương khác. Có nhãn hiệu tập thể là tiền đề quan trọng để mở rộng sản xuất kinh doanh sản phẩm miến dong. Thời gian tới cần phải cân đối quy hoạch phát triển diện tích, đầu tư thâm canh, chế biến tốt, xúc tiến thương mại mạnh mẽ. Đồng chí biểu dương sự nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; các Vụ, Viện, trường trong hoàn thành sớm hồ sơ xin cấp Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể và bảo vệ thành công. 
Đồng chí đề nghị các sở, ngành, huyện, thị Xây dựng phương án phát triển cây quýt Bắc Kạn, Miến dong Bắc Kạn theo quy hoạch đã được phê duyệt, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo, phục tráng, nâng cao chất lượng quýt và nghiên cứu công nghệ chế biến Miến dong đảm bảo chất lượng ngày càng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân phát triển cây quýt, Miến dong tại địa phương; Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh./.
Tuấn Sơn

Xem thêm