Thôn Lũng Miệng, xã Thuần Mang (Ngân Sơn) có 37 hộ với 139 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Mông, Tày, Nùng cùng sinh sống. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư có hiệu quả của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, cuộc sống của đồng bào đã có chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng đổi thay rõ rệt.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền đã quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Lũng Miệng, từ việc ổn định dân cư, khơi dậy tinh thần làm chủ, ý thức tự lực, tự cường của nhân dân, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi và đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Từ đó, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng văn hóa mới.
![]() |
Đường vào thôn Lũng Miệng được mở rộng. |
Ông Ngô Văn Sinh, trưởng thôn Lũng Miệng cho biết: Đến nay, người dân trong thôn đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, điện lưới quốc gia, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Hệ thống đường giao thông thôn được địa phương đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ đã được mở rộng rải cấp phối cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo ô tô đi lại, trao đổi hàng hóa bây giờ đã thuận lợi hơn, các sản phẩm nông sản, lâm sản làm ra đều thông thương dễ dàng. Có đường, có điện, người dân trong thôn đã vươn lên phát triển kinh tế với các mô hình chăn nuôi trâu, bò và trồng rừng.
Đặc biệt, các hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã có sự thay đổi nhận thức trong tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hoá, góp phần xóa đói giảm nghèo. Điển hình như các gia đình ông Đào Văn Día, Hoàng Văn Páo… có hàng chục con trâu, bò, góp phần nâng cao thu nhập gia đình. Bên cạnh việc canh tác 8,5ha cây lúa, 16ha ngô hằng năm, người dân nơi đây còn trồng cây hồi theo các dự án. Đến nay thôn có 50% số hộ trồng hồi, mỗi hộ trung bình có 500-1.000m2 cây hồi cho thu hoạch, góp phần đáng kể cải thiện đời sống gia đình. Hiện cơ bản các hộ trong thôn đã có xe máy đi lại, 2 hộ làm được nhà xây khang trang, còn lại nhà bán kiên cố; từ chỗ 100% hộ nghèo, năm vừa qua thôn Lũng Miệng đã giảm được 3 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo.
![]() |
Nhiều hộ dân tập trung nuôi đại gia súc, mang lại nguồn thu nhập khá. |
Đời sống kinh tế từng bước cải thiện, thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở khu dân cư, như lễ cưới của đồng bào Mông ở Lũng Miệng đã được tổ chức văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Thôn không có tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút. Mặt khác, trong những năm qua, bản sắc văn hóa dân tộc Mông tiếp tục được duy trì và phát triển, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã từng bước được xóa bỏ, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém. Đồng bào dân tộc Mông ở Lũng Miệng luôn hòa đồng, gắn kết và trở thành một nhân tố tích cực trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới tại địa phương.
Có thể nói, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thôn Lũng Miệng đã từng bước được đổi thay, song nơi đây vẫn còn là một trong những thôn đặc biệt khó khăn, bà con mong muốn trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chính sách kịp thời đối với đồng bào dân tộc miền núi; các cấp chính quyền địa phương tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đưa vào phát triển tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn…/.
Lý Dũng