Tốt nghiệp Trường Cao đẳng kinh tế, anh Phan Văn Tuân, thôn Nà Sát, xã Trần Phú (Na Rì) đã mang kiến thức về quê khởi nghiệp và thành công áp dụng kỹ thuật hiện đại vào phát triển chăn nuôi ở địa phương.
Viết thư xin tham gia chương trình khởi nghiệp của VTV16
Kể sơ qua về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tuân cho biết: Đa phần người dân trong xã là người dân tộc thiểu số nên bà con chưa hiểu vào hợp tác xã (HTX) có lợi ích gì. Tôi phải dành nhiều thời gian đến tận nhà phân tích, thuyết phục và cam kết, bà con được hướng dẫn cách nuôi, chỉ việc làm theo kỹ thuật, sản phẩm đầu ra HTX hỗ trợ…, phải đến như thế bà con mới dần tin và tham gia vào HTX. Tháng 9/2016, (HTX) Trần Phú được thành lập, cũng là HTX đầu tiên của xã Hảo Nghĩa, nay là xã Trần Phú. Sau đó, tôi tìm hiểu và nhập 2.000 con gà Lạc Thủy (Hòa Bình) về nuôi khởi điểm, do giống gà này có tập tính tự kiếm ăn, sức kháng thể tốt giống gà ta bản địa nên phát triển rất tốt, có hiệu quả. Sau đó, tôi mạnh dạn gửi thư cho VTV16 xin tham gia chương trình khởi nghiệp để có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia trong ngành chăn nuôi.
"Có lẽ, thành công trong khởi nghiệp của tôi là từ khi được tham gia chương trình "Khởi nghiệp" của VTC16. Lúc đó tôi còn dè dặt lắm, nhưng may mắn là chương trình chấp nhận và tôi nhận được sự trợ giúp. Sau khi tham gia chương trình, các chuyên gia đã đến tận nơi tư vấn, hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại đúng tiêu chuẩn, chăm sóc đúng kỹ thuật…, vì thế những lứa gà phát triển tốt và tăng cả số lượng và năng suất, chất lượng. Có thời điểm HTX phát triển lên đến 6.000 con gà thương phẩm mỗi lứa. Năm 2018, sản phẩm gà thả đồi của HTX Trần Phú được chứng nhận 3 sao OCOP. Niềm vui của tôi là năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào thi đua "Dân vận khéo". Còn giấy chứng nhận tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp từ tỉnh đến Trung ương thì nhiều lắm", anh Tuân cười chia sẻ.
Tư duy, đổi mới để tăng khả năng thích ứng phát triển.
Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, sản xuất theo chuỗi khép kín từ nông trại đến bàn ăn, anh Tuân luôn có tư duy đổi mới. Năm 2019, 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, việc vận chuyển sản phẩm đến các nơi tiêu thụ khó, lợi nhuận thấp…, anh và các thành viên HTX duy trì số lượng vừa đủ để phục vụ tại địa phương. Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động của HTX trở về trạng thái bình thường, HTX Trần Phú tiếp tục khôi phục dần việc nhân rộng đàn gà.
"Cuối năm 2020, với sự giới thiệu của một chuyên gia chăn nuôi ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tôi mạnh dạn nhập hơn 100 con lợn đen Táp Ná có nguồn gốc từ Cao Bằng, do Công ty TNHH ứng dụng và phát triển Trang Ninh trụ sở tại Ninh Bình cung cấp, là trang trại chuyên bảo tồn nguồn gen giống, lợn phát triển nhanh, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, lại một lần nữa vấp phải dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn đang lành lặn cũng phải bán tháo 40 con lợn nái mỗi con bán 1 triệu đồng, hàng trăm con lợn con bán 300.000 đồng/con, trong khi bình thường mỗi con lợn giống khoảng 10kg bán ít nhất cũng có giá 1,8 triệu đồng. Vượt qua cơn bão dịch lợn tả châu Phi, không nản chí, tôi lại tiếp tục đầu tư lợn đen Táp Ná, chấp nhận mua 1 con lợn giống với giá hơn 4 triệu đồng. Giờ đây, trang trại đang có trên 100 con, trong đó có 60 lợn nái đủ cung cấp nguồn giống để gia đình, các thành viên và liên kết với các hộ dân nhân rộng".
![]() |
Theo anh Tuân, giống gà Lạc Thủy rất phù hợp với điều kiện và khí hậu của địa phương. |
Hiện HTX đang liên kết với 30 hộ nuôi lợn đen Táp Ná ở các địa phương trong huyện và bắt đầu có sản phẩm bán ra thị trường. HTX cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và giúp tiêu thụ sản phẩm nếu các hộ dân có nhu cầu. Chỉ tay ra những triền đồi bát ngát quanh khu trang trại, anh Tuân cho biết sẽ mở rộng nuôi lợn đen Táp Ná, liên kết với nhiều hộ dân để đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho thị trường, vì hiện nay sản phẩm cung không đủ cầu.
Hiện nay, hàng trăm con lợn đen Táp Ná đang được anh nuôi theo phương thức sử dụng men vi sinh lên men để ủ bã đậu, bã bia và một số loại thảo dược. Mục tiêu của anh là tích cực tham gia các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức trong và ngoài tỉnh; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; thường xuyên khảo sát nhu cầu của các đối tác lâu năm để phát triển. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm gà OCOP. Anh mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ HTX mở rộng vùng sản xuất và tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển HTX...
Ông Nông Văn Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: “Đối với các HTX có định hướng phát triển tốt, huyện sẽ tạo điều kiện hỗ trợ phát triển; cần mở rộng sản xuất, liên kết với địa phương sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn hỗ trợ lập các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện cũng có nhiều sản phẩm cũng như gian hàng OCOP giới thiệu để đưa các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”. |
Chia tay anh Phan Văn Tuân sau một buổi “mục sở thị”, tôi thật sự ấn tượng và cảm phục khát vọng làm giàu trong con người anh, luôn tư duy, tràn đầy nhiệt huyết làm giàu trên mảnh đất quê hương, tiên phong chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, thích ứng với những biến động của thị trường, bắt nhịp với chuyển đổi số. Hành trình khởi nghiệp của anh góp phần không nhỏ vào công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương./.
Tùng Vân