Độc đáo trang phục truyền thống các dân tộc Bắc Kạn trong ngày cưới

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Đám cưới vùng cao của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn luôn đem đến những điều thú vị cho khách tham dự. Ngoài những nghi lễ cầu kỳ thì trang phục đám cưới truyền thống của cô dâu cũng là điểm nhấn đặc sắc, tạo ra sức hút đặc biệt.
Trang phục ngày cưới của cô dâu dân tộc Dao đỏ.

Trang phục ngày cưới của cô dâu dân tộc Dao đỏ.

Là một trong những dân tộc có trang phục truyền thống rực rỡ, nổi bật, đồng bào dân tộc Dao đỏ rất tự hào về trang phục cô dâu trong ngày cưới. Bộ trang phục được làm bằng vải chàm, với các chi tiết cầu kỳ, tỉ mỉ. Áo dài thêu hoa văn, phía trước ngực kết hai hàng bạc trắng và hai hàng quả bông len màu đỏ; thắt lưng dài thêu ở hai đầu. Quần ống rộng thêu sặc sỡ từ đầu gối trở xuống. Yếm mặc bên trong cũng được thêu hoa bằng chỉ màu xanh, đỏ, vàng.

Trang phục cô dâu, chú rể người Dao đỏ huyện Chợ Đồn trong lễ cưới.

Trang phục cô dâu, chú rể người Dao đỏ huyện Chợ Đồn trong lễ cưới.

Điểm đặc biệt trong trang phục cô dâu của dân tộc Dao đỏ là khăn đội đầu. Khăn đội đầu phía trong được nhuộm chàm đen, quấn thành nhiều màu, bên ngoài thêu hoa văn viền xanh, đỏ. Khăn đội đầu bên ngoài được gọi là “Trùm Phả”, làm bằng vải tự dệt, thêu nhiều loại hoa văn hình cây cỏ, dấu chân hổ, chim chóc, hoa bông, cây thông… Diềm khăn đính một hàng tua rua bằng len nhiều màu sắc, che kín mặt cô dâu. Cùng với quần áo, trong ngày cưới, cô dâu sẽ đeo thêm nhiều trang sức khác như: Khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích...

Cô dâu dân tộc Mông ở xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn rực rỡ trong trang phục truyền thống

Cô dâu dân tộc Mông ở xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn rực rỡ trong trang phục truyền thống

Khác với nhiều dân tộc, người Mông dệt vải từ sợi cây lanh là chính, bộ nữ phục của cô dâu người Mông trắng gồm: Váy, áo, khăn đội đầu, thắt lưng, tạp dề, xà cạp và các đồ trang sức khác. Váy được may bằng vải lanh trắng, có các nếp xếp tạo độ xòe rộng. Cạp váy được làm vừa vòng bụng, phủ ngoài phía trước váy là mảnh vải được trang trí cầu kỳ. Áo ngắn được dày công trang trí, thêu thùa, áo may vừa với thân hình, xẻ ngực, hai vạt vừa chấm thắt lưng, hai bên áo không cắt thẳng mà hơi lượn eo. Phần cổ áo được trang trí cầu kỳ ở cổ yếm áo phía gáy. Đi cùng với bộ trang phục là chiếc thắt lưng, xà cạp và khăn vấn đầu được trang trí rất công phu.

Trong ngày cưới, các cô gái dân tộc Mông trắng cũng sắm cho mình nhiều đồ trang sức bằng bạc như: vòng cổ, vòng tay, nhẫn, khuyên tai… từ đó, tôn thêm vẻ đẹp khỏe khoắn, dịu dàng của phụ nữ dân tộc Mông trong ngày cưới.

Trang phục của cô dâu dân tộc Sán Chỉ

Trang phục của cô dâu dân tộc Sán Chỉ

So với các dân tộc Mông và Dao trang phục của người cô dâu Sán Chỉ đơn giản và ít họa tiết hơn. Tuy nhiên, bằng những đường nét hoa văn đặc trưng, người phụ nữ Sán Chỉ đã sáng tạo ra những bộ trang phục độc đáo tôn lên vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng của người phụ nữ. Trang phục cô dâu Sán Chỉ được làm bằng vải màu chàm. Quần có ống rộng, không pha màu. Áo may dài bốn thân, cài khuy bên trái hoặc bên phải, ống tay nhỏ, cổ thấp. Để tạo điểm nhấn, gấu và tà áo được viền vải màu đỏ, nổi bật và rực rỡ.

Bên cạnh quần áo, người phụ nữ Sán Chỉ rất chú ý đến các phụ kiện, trang điểm. Đặc biệt nhất là mái tóc, tóc được buộc chụm về phía trước rồi xẻ làm đôi, dùng cặp ba lá kẹp quanh tròn lại trên đầu. Đỉnh đầu được che bởi miếng bạc mỏng hình tròn, phía mặt trên in hình vũ trụ, mặt trăng, mặt trời hoặc hình ngôi sao, bên phải đầu cài ba cây châm. Vào ngày lễ đặc biệt của mình cô dâu Sán Chỉ đội thêm 2 đến 3 chiếc khăn được thêu thùa công phu, kết nhiều sợi bông nhiều màu sắc và kèm theo các phụ kiện như: Vòng cổ, vòng tay, xà tích đều được làm từ bạc trắng…

Trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời, mỗi cô gái đều là “bông hoa” đẹp nhất, rực rỡ nhất và kiêu hãnh nhất. Với những cô dâu là người dân tộc thiểu số, họ càng tự hào hơn khi được khoác lên mình trang phục truyền thống, tiếp tục nối dài dòng chảy, giúp lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc…/.

Xem thêm