Doanh nghiệp rút lui gần bằng số doanh nghiệp gia nhập thị trường mới

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn diễn ra, chủ yếu là các doanh nghiệp ở các lĩnh vực thương mại, xây dựng, chế biến gỗ, chăn nuôi...

Theo Cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023 có 89 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,95% (tăng 04 doanh nghiệp) và 51 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 4,08%, (tăng 03 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2022.

Cụm Công nghiệp Pù Pết (xã Bằng Vân, Ngân Sơn) giờ đây bị bỏ hoang do chưa có hạ tầng thiết yếu đường vào và điện phục vụ sản xuất

Cụm Công nghiệp Pù Pết (xã Bằng Vân, Ngân Sơn) giờ đây bị bỏ hoang do chưa có hạ tầng thiết yếu đường vào và điện phục vụ sản xuất

Dừng hoạt động vì những rủi ro không thể lường trước

Thành lập 01/2014, Công ty TNHH MTV Chế biến nông lâm sản Bắc Kạn có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác. Doanh nghiệp đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư 01/2025 đối với dự án Xưởng chế biến lâm sản có quy mô công suất thiết kế trên 2.000m3 gỗ ván bóc, ván xẻ, ván băm dăm thành phẩm. Diện tích đất được giao trên 62.000m2 tại cụm Công nghiệp Pù Pết xã Bằng Vân, Ngân Sơn. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã xác định vùng nguyên liệu đủ phục vụ nhu cầu sản xuất của xưởng.

Ông Hồng Sỹ Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông lâm sản Bắc Kạn cho biết: “ Cách đây gần 10 năm, khi đến Bắc Kạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ, chúng tôi đã được tỉnh giới thiệu địa điểm có thể đặt nhà máy tại cụm Công nghiệp Pù Pết (xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn). Đây là cụm công nghiệp mới được tỉnh đưa vào quy hoạch, chưa được đầu tư hạng mục hạ tầng nào. Hình thức tỉnh kêu gọi đó là xã hội hoá, doanh nghiệp sẽ bỏ tiền đầu tư hạ tầng bên trong cụm, còn những hạng mục như đường, điện khu vực bên ngoài hàng rào cụm sẽ do Nhà nước đầu tư. Chỉ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt tay vào san ủi tạo mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, nhà ở công nhân, lắp đặt máy móc thiết bị triển khai sản xuất với tổng chi phí gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến khi Dự án đã đi vào hoạt động cả năm thì các hạng mục thuộc phạm vi đầu tư của tỉnh bên ngoài cụm CN như đã hứa vẫn “nằm im”. Trong khi hoạt động sản xuất chế biến gỗ thì cần đường rộng để vận chuyển nguồn nguyên liệu đầu vào, vận chuyển sản phẩm xuất đi ... Do đường dân sinh nhỏ hẹp, dù chỉ cách Quốc lộ 3 khoảng 500-600m nhưng ô tô tải không thể ra vào xưởng được, muốn vận chuyển hàng hoá phải tăng bo bằng xe nhỏ. Điều này thật sự gây khó cho doanh nghiệp, làm chi phí sản xuất đội lên rất cao. Điện sản xuất của nhà máy vẫn phải sử dụng chung với đường điện dân sinh phập phù, không ổn định. Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với huyện, với tỉnh nhưng vẫn không được đầu tư các hạng mục nói trên. Trong khi thị trường gỗ thời điểm đó rất tốt, doanh nghiệp đã đầu tư hoàn thiện dây chuyền sản xuất, nhưng điểm “nghẽn” hạ tầng bên ngoài hàng rào cụm CN đã khiến dự án chưa khai thác đã phá sản. Chỉ sau 02 năm kể từ ngày đầu tư tại Bắc Kạn, doanh nghiệp đã phải ngậm ngùi tháo dỡ toàn bộ máy móc thiết bị đầu tư mới chuyển đi nơi khác, cụm công nghiệp Pù Pết giờ biến thành bãi đất hoang cỏ mọc. Có dịp đi qua, tôi có rẽ vào nơi mình đã từng dành tâm sức, tiền bạc để thực hiện dự án đầu tiên tại Bắc Kạn mà cảm thấy xót xa. Thất bại, rủi ro đó về phía doanh nghiệp không thể lường trước được. Toàn bộ số máy móc thiết bị đã đầu tư tại đây, năm 2016 Công ty đã chuyển sang tỉnh Yên Bái và triển khai khá hiệu quả từ đó đến nay. Những phần đầu tư trên đất như san ủi mặt bằng, nhà xưởng, nhà ở công nhân doanh nghiệp không thể chuyển đi được, giờ cũng bị hư hỏng, xuống cấp, người dân tự ý tháo dỡ. Hằng năm doanh nghiệp vẫn làm thủ tục gia hạn tạm ngừng hoạt động. Tôi vẫn mong thời gian tới cụm công nghiệp này sẽ được Nhà nước bố trí vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng đường, điện, khi đó doanh nghiệp sẽ tính toán tiếp để có thể đầu tư lại trên diện tích đất đã được Nhà nước giao".

Những máy móc thiết bị của dây chuyền sản xuất chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Chế biến nông lâm sản Bắc Kạn đã phải chuyển đi nơi khác chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động
Những máy móc thiết bị của dây chuyền sản xuất chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Chế biến nông lâm sản Bắc Kạn đã phải chuyển đi nơi khác chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động

Ngừng hoạt động do khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Hơn 1 năm mở xưởng bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ, đầu tư gần 7 tỷ đồng để xây dựng hơn 600m2 nhà xưởng, thiết bị và hàng hoá, doanh nghiệp tư nhân La Quân Khánh Đạt có địa chỉ tại thôn 5 Đội Thân xã Nông Thượng (Tp. Bắc Kạn) đã phải đóng cửa. Anh La Văn Quân chủ doanh nghiệp cho biết: “Ban đầu mới mở việc kinh doanh khá suôn sẻ, mấy tháng đầu doanh số khá ổn, bán cả trăm chiếc lốp và ắc quy. Xưởng có 6-7 nhân viên kỹ thuật. Những tháng sau đó doanh số sụt giảm dần, những khách hàng đến với doanh nghiệp chủ yếu muốn nợ tiền mua hàng. Khi thấy tình hình khó đòi, chúng tôi xiết chặt quản lý các khoản nợ thì khách hàng ngày càng thưa dần. Nay tổng số tiền nợ lên tới 700-800 triệu đồng. Không thể kéo dài tình trạng kinh doanh thấp như vậy, tôi đã quyết định tạm dừng một thời gian xem thế nào. Cũng xưởng như vậy, tại thị trấn Đại Từ huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên tôi vẫn kinh doanh rất tốt. Có lẽ nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ thị trường cũng như ở xa nên việc quản trị kinh doanh còn có những hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh".

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn cho rằng: "Những năm gần đây, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng trong bối cảnh rất khó khăn. Xuất khẩu lẫn nội địa cùng diễn biến phức tạp, tình hình kinh doanh bất định khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức và nản lòng, họ đã chọn giải pháp thoái lui, rút khỏi thị trường. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp đang mong mỏi tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, thúc đẩy và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã có. Việc hỗ trợ kết nối với các tổ chức tín dụng với lãi suất vừa phải, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng tìm kiếm thị trường mới,… cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp mong mỏi chờ đợi trong lúc này./.

Xem thêm