Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò của văn hóa: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Đảng ta đặc biệt chú trọng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nắm rõ ý nghĩa đó, những năm qua Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh, Trưởng đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ diễn viên thiếu, nhất là nhân lực trình độ cao; kinh phí đầu tư trang thiết bị hạn chế; một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ có xu hướng thiếu hào hứng với các tiết mục dân ca, dân vũ - dù chương trình được dàn dựng công phu; một giai đoạn hoạt động biểu diễn phải gián đoạn do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19; đời sống cán bộ diễn viên gặp nhiều khó khăn… Tuy vậy, tập thể cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh vẫn rất nỗ lực, sáng tạo và tâm huyết với nghề.

Để tiếp tục khẳng định và phát huy những nét văn hóa độc đáo đã đi sâu và in đậm trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, mỗi năm Đoàn NTDT tỉnh đều xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật trên cơ sở khai thác triệt để các chất liệu, nguồn cảm hứng từ nền văn hóa, văn nghệ phong phú, đậm đà bản sắc của Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Kịp thời bảo tồn, nâng cao, phát triển, đưa lên sân khấu những sắc màu văn hóa có chọn lọc, tạo thêm nét mới để hòa chung vào việc thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, hướng tới sự độc đáo, văn minh và giàu đẹp.

Hằng năm, Đoàn tổ chức biểu diễn khoảng 80 đêm, luân phiên tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; diễn từ 30-40 buổi phục vụ các sự kiện quan trọng của tỉnh. Bên cạnh đó, Đoàn còn tham gia các hội thi, hội diễn, ghi dấu ấn và góp phần làm nên thành công cho các sự kiện xúc tiến, quảng bá thương mại, du lịch của tỉnh như: Chương trình du lịch qua miền di sản, Sắc thu hồ Ba Bể, các chương trình Tuần văn hóa du lịch di sản, hội xuân, hội nghị giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến đầu tư, du lịch...

Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn đoạt giải Bạc toàn đoàn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc (điểm số cao nhất trong 4 nhà hát, đoàn nghệ thuật đoạt giải Bạc).

Phần thưởng lớn nhất và đáng trân trọng nhất chính là tình yêu quý mà Nhân dân các dân tộc dành cho Đoàn mỗi khi đi biểu diễn tại cơ sở. Nghệ sĩ Nguyễn Minh cho hay: Nhiều đêm đang diễn thì trời đổ mưa to. Diễn viên vội vã tháo bỏ phục trang, thu dọn đồ đoàn, che chắn nhạc cụ, loa máy… Nhưng bên dưới sân khấu là cảnh bà con vẫn cầm ô, đội mưa đứng lại. Quá xúc động, anh chị em nghệ sĩ lại tiếp tục tìm cách để tiếp tục biểu diễn. Những đêm diễn đặc biệt ấy là kỷ niệm không bao giờ quên với các nghệ sĩ…

Nữ biên đạo - diễn viên múa Nông Thị Lan tâm sự: Công việc của nghệ sĩ chúng tôi rất gần dân, thường xuyên đi cơ sở để biểu diễn phục vụ bà con với nhiều tiết mục đặc sắc như: Múa “Hồn tre trúc” dân tộc Mông; “Ban mai trên mặt hồ”, múa bát “Nét bản sắc” của dân tộc Tày; “Mùa bông nở” của dân tộc Dao…

Trước xu thế giải trí mới và những thách thức, áp lực của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống công lập, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh đã có những điều chỉnh linh hoạt. Theo đó, Đoàn sẽ xây dựng các chương trình nghệ thuật xen kẽ dân ca, dân vũ của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, biểu diễn nhạc cụ… với nhạc mới, nhạc trẻ.

Bên cạnh đó, những người làm nghệ thuật truyền thống mong muốn các cấp, ngành, địa phương cùng vào cuộc, tuyên truyền giáo dục thẩm mỹ để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn đến bản sắc văn hóa truyền thống; đầu tư hơn nữa cho công tác bảo tồn, phát huy những giá trị của tiếng nói, trang phục, dân ca, dân vũ của Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn./.

Xem thêm