Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chuyển đến Quốc hội nhiều kiến nghị của cử tri

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Ngày 01/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường.

Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, ghi nhận năm 2022 dù gặp nhiều thách thức, khó khăn song nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển KT-XH; kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8,02% là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi; các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Tham gia thảo luận, các ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chuyển tải nhiều kiến nghị, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao công tác chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại phiên họp.

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại phiên họp.

Phản ánh ý kiến cử tri tỉnh Bắc Kạn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết: Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc là tập trung bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Song do chính sách và nguồn lực cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng chưa phù hợp; mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ, sản xuất còn thấp, cuộc sống của người dân còn vô cùng khó khăn; các biện pháp bảo vệ rừng hiện nay chỉ tập trung hướng bảo tồn mà chưa quan tâm nhiều đến khai thác lợi thế dưới tán rừng tự nhiên.

Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phát huy các lợi thế về tài nguyên rừng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị Chính phủ: Xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm, trong đó quan tâm chính sách đầu tư, chính sách chi thường xuyên, chính sách khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng; nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ 300.000 - 400.000 đồng/ha như hiện nay lên tối thiểu 1.000.000 đồng/ha/năm; nâng mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định cho Ban quản lý rừng đặc dụng từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng từ 40 triệu đồng lên 80 triệu đồng/thôn, bản/năm.

Đồng thời, đề nghị điều chỉnh, nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo hướng chia tiêu chí tỷ lệ che phủ rừng để tính điểm thành các mức cụ thể nhằm đảm bảo sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xem xét, bổ sung tiêu chí tỷ lệ đất rừng và độ che phủ rừng của địa phương vào tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các lĩnh vực chi, đúng với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).

Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết: Hiện nay việc triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn các tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn do thời gian thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng kéo dài, trong khi diện tích rừng không tập trung mà nằm xen kẽ, nhỏ, lẻ với các loại đất khác. HĐND cấp tỉnh chỉ được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ dưới 20ha; rừng sản xuất dưới 50ha, không được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án được Chính phủ phê duyệt.

Do vậy, đề nghị Chính phủ cho phép đối với các tuyến giao thông đã có trong quy hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi triển khai các dự án này thì địa phương không phải thực hiện thủ tục xin ý kiến về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Cho thực hiện đồng thời việc chuyển mục đích sử dụng đất với chuyển mục đích sử dụng rừng để tạo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý, sử dụng đất và rừng. Giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng với một diện tích phù hợp; chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng tự nhiên có trữ lượng thấp, không có khả năng phát triển thành rừng có trữ lượng để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Luật Đất đai năm 2013 quy định: Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng để bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Việc quy định như vậy thì đối với tổ chức kinh tế như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… không phải là tổ chức quản lý về rừng thì không được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ dẫn đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án trồng dược liệu.

Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định liên quan đến việc giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ cho các tổ chức kinh tế để khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu dưới tán rừng sản xuất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) thảo luận tại phiên họp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) thảo luận tại phiên họp.

Quan tâm đến chính sách phát triển KT-XH đối với các xã khu vực ATK, CT229, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phản ánh: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các xã ATK, CT229 thuộc tỉnh Bắc Kạn có nhiều cải thiện và có những chuyển biến tích cực, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư từ nhiều Chương trình MTQG, nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ.

Tỉnh Bắc Kạn đã ưu tiên đầu tư, cân đối các nguồn vốn cho các xã, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng ATK và CT229 của tỉnh. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, nguồn lực của tỉnh rất hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo đời sống của Nhân dân trong vùng.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14 về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Song đến nay các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành các quy chế quản lý và các chế độ, chính sách cụ thể đối với các địa phương trong vùng này.

Cùng với đó, một số chính sách mới được áp dụng đối với các xã khu vực 3 hoặc các xã CT229 chưa đạt chuẩn nông thôn mới, chưa có chính sách cho các xã khu vực 2, khu vực 1 nên việc triển khai chính sách còn gặp nhiều khó khăn như việc hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, các thiết chế văn hóa, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân.

Bên cạnh đó, do quy định các chương trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn các xã CT229 không có yếu tố nước ngoài; việc thu hút dự án ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch, tạo việc làm cho người lao động trong vùng cũng khó thực hiện. trong giai đoạn 2021- 2025, nguồn lực đầu tư tại các vùng ATK và CT229 rất hạn chế và hầu như không có nguồn vốn ngoài ngân sách, chỉ có thể đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trong khi điểm tính cho các xã này theo nguyên tắc, tiêu chí không còn Chương trình mục tiêu quốc phòng, an ninh trên địa bàn trọng điểm, do đó không còn các dự án đầu tư trên địa bàn các xã CT229… Vì vậy, một số xã CT229, xã ATK sẽ không được đầu tư từ chương trình này.

Để đảm bảo thực hiện chính sách đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Huế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, ban hành một chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển KT-XH cho các xã vùng CT229 và vùng ATK với phạm vi bao gồm tất cả các xã, thị trấn thuộc vùng này với chính sách cụ thể.

Theo đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, có mức hỗ trợ cao hơn so với các chính sách thu hút đầu tư hiện nay. Đồng thời, các chính sách phải gắn với phát triển du lịch lịch sử, chính sách đầu tư các công trình hạ tầng lưỡng dụng kinh tế và quốc phòng. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, bảo hiểm, giảm nghèo cần đồng bộ, thống nhất trong vùng để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, vừa nâng cao đời sống dân sinh và giữ vững quốc phòng an ninh.

Xem xét áp dụng chính sách cho tất cả các xã khu vực 1 và các xã đạt chuẩn nông thôn mới… Đại biểu cũng đề nghị xây dựng và thực hiện sớm chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK, các thiết chế văn hóa xã, các chính sách hỗ trợ người dân trong khu vực di tích ATK nhằm bảo tồn hiện trạng di tích nhưng vẫn đảm bảo đời sống cho người dân.

Cuối các phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

Ái Vân

Xem thêm