Đổ đất thải gây ảnh hưởng cuộc sống người dân: Cần làm rõ trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Theo người dân phản ánh, quá trình san gạt mặt bằng dự án Khu dân cư Thôm Dầy, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, đơn vị thi công đổ đất thải không đúng quy định làm vùi lấp đất rừng, đất ruộng, sạt lở xuống hạ lưu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Phóng viên Báo Bắc Kạn tại khu vực bãi đổ đất của dự án.

Dự án Khu dân cư Thôm Dầy, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn được UBND thành phố Bắc Kạn phê duyệt theo Quyết định số 2187/QĐ-UBND ngày 30/10/2018. Tổng mức đầu tư dự án hơn 85 tỷ đồng; tổng diện tích thực hiện hơn 4,7ha; thời gian thực hiện dự án năm 2018 - 2022. Quy mô xây dựng gồm 04 hạng mục chính gồm: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư; xây dựng trụ sở làm việc UBND phường Sông Cầu; xây dựng Nhà Văn hóa tổ 13, phường Sông Cầu; đầu tư mua sắm trang thiết bị văn phòng cho trụ sở làm việc.

Ông Vũ Chí Hà, Trưởng thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn.

Dự án này được khởi công xây dựng ngày 22/6/2020, dự kiến hoàn thành ngày 31/8/2023 (hiện nay đạt trên 90% khối lượng, đã được gia hạn lần hai đến hết ngày 30/4/2024). Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Thăng Long, địa chỉ tổ 8, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, theo loại hợp đồng trọn gói.

Tháng 8/2020, hộ ông Nguyễn Văn Loạn, tổ 11C và hộ bà Nguyễn Thị Huệ, tổ 11B, phường Sông Cầu có đơn đề nghị đổ đất cải tạo mặt bằng đất rừng sản xuất, tại thửa đất số 46, tờ bản đồ số 01, diện tích 2.255m2, là đất rừng sản xuất (của ông Nguyễn Văn Loạn) và thửa đất số 540, tờ bản đồ số 01, diện tích 2.461m2, là đất rừng sản xuất của (bà Nguyễn Thị Huệ).

Sau khi xem xét hồ sơ, Phòng Kinh tế, UBND thành phố Bắc Kạn đã chấp thuận cho hai hộ được đổ đất để cải tạo. Tổng khối lượng đất được chấp thuận cải tạo của cả hai hộ nói trên là 4.881 mét khối. Đất được lấy từ công trình thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông thuộc dự án Khu dân cư Thôm Dầy, do Công ty CPXD Thăng Long thực hiện và đã có ký kết với các hộ gia đình nói trên.

Ông Hoàng Văn Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn.

Tuy nhiên, theo người dân phản ánh: Sau khi thực hiện đổ đất cải tạo cho hộ gia đình ông Loạn và bà Huệ, đơn vị thi công tự thỏa thuận với một số hộ dân thuộc phường Sông Cầu và xã Dương Quang có đất ở lân cận khu vực cải tạo đất của ông Loạn và bà Huệ để tiếp tục đổ phần đất dư thừa của dự án Khu dân cư Thôm Dầy.

Dẫn phóng viên đến kiểm tra thực tế tại hiện trường, ông Hoàng Văn Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quang cho biết: Việc đổ thải là do một số hộ dân của xã Dương Quang và phường Sông Cầu tự thỏa thuận với đơn vị thi công và không thông qua chính quyền xã, nên địa phương nên không nắm được. Khối lượng đất đá đổ thải rất lớn, nếu không được khắc phục, xử lý kịp thời thì hoa màu, tài sản của các hộ dân ở phía dưới chân đồi sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng.

Ông Nông Đức Dũng, Chủ tịch UBND phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nông Đức Dũng, Chủ tịch UBND phường Sông Cầu cho biết: Thời gian qua, lãnh đạo UBND phường đã tăng cường công tác kiểm tra đối với việc san ủi đất trên địa bàn phường quản lý. Tuy nhiên, việc đổ đất ở khu vực giáp ranh với xã Dương Quang, các hộ tự ý thỏa thuận với đơn vị thi công về việc đổ đất không đúng quy định nên việc kiểm tra gặp khó khăn, chưa phát hiện kịp thời vụ việc. Hiện UBND phường đang chỉ đạo cán bộ chuyên môn rà soát cụ thể để báo cáo UBND thành phố và cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Quốc Toàn, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng thành phố Bắc Kạn, đại diện chủ đầu tư dự án Khu dân cư Thôm Dầy cho biết:

Ông Võ Quốc Toàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Bắc Kạn, đại diện chủ đầu tư trao đổi với phóng viên.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Kạn: Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, có thể xem trường hợp này là hủy hoại đất. Theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013, khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Mức xử phạt có thể lên đến 150 triệu đồng (tùy vào diện tích và mức độ hủy hoại rừng). Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Một số hình ảnh về việc sạt lở đất:

Phòng chức năng của thành phố Bắc Kạn xác định đất đá trôi xuống đã lấp toàn bộ phần đất ruộng và lấp cây ở mé đồi gần ruộng.

Phòng chức năng của thành phố Bắc Kạn xác định đất đá trôi xuống đã lấp toàn bộ phần đất ruộng và lấp cây ở mé đồi gần ruộng.

Phần ta-luy cao đã có những khe rãnh, nước mưa cuốn đất đá trôi xuống hạ lưu.

Phần ta-luy cao đã có những khe rãnh, nước mưa cuốn đất đá trôi xuống hạ lưu.

Bùn đất sau mỗi trận mưa lớn trôi xuống nhà dân thuộc thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang.

Bùn đất sau mỗi trận mưa lớn trôi xuống nhà dân thuộc thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang.

Một phần diện tích ruộng đang cấy lúa của người dân thôn Nà Cưởm bị vùi lấp.

Một phần diện tích ruộng đang cấy lúa của người dân thôn Nà Cưởm bị vùi lấp.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Kạn đến kiểm tra thực tế tại hiện trường.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Kạn đến kiểm tra thực tế tại hiện trường.

Báo Bắc Kạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết quả giải quyết về sự việc này./.

Xem thêm