Y tế và sức khỏe cộng đồng

Định hướng truyền thông nguy cơ sức khỏe Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Công tác truyền thông nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn về nguy cơ sức khỏe, có thêm kiến thức tự mình thay đổi hành vi nếp sống, áp dụng điều tốt, loại bỏ điều xấu để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Tư vấn sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế xã Thanh Mai (Chợ Mới).

Tư vấn sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế xã Thanh Mai (Chợ Mới).

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa: “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tình thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay tật”. Ngoài các yếu tố thể chất, tinh thần, các yếu tố xã hội cũng có tác động không nhỏ đến sức khỏe của con người. Trong đó, ngành Y tế có sứ mệnh đặc biệt trong việc chăm lo sức khỏe Nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Sau hơn 3 năm dịch Covid-19 bùng phát kéo theo vô số tác động tới hệ thống an sinh, xã hội như thất nghiệp, giảm thu nhập, gián đoạn việc học tập, gia tăng chi phí y tế... Những trạng thái bất ổn này dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo âu, suy giảm sức đề kháng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn thể cán bộ, người lao động ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua thử thách đó, giải quyết những vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Từ Trung ương đến địa phương đã phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe Nhân dân.

Tại tỉnh Bắc Kạn, định hướng truyền thông nguy cơ sức khỏe Việt Nam cũng đã đặt ra các nhóm mục tiêu cụ thể, như: Tăng cường truyền thông vận động đến cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp, nhằm đạt được sự cam kết, ủng hộ và sự đồng thuận trong thực thi các văn bản pháp quy liên quan đến dự phòng và kiểm soát nguy cơ sức khỏe; huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng, người có uy tín và nhân viên y tế nâng cao nhận thức về nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm; tăng cường thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm (Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư…).

Những yếu tố xã hội tác động đến sức khỏe mà chúng ta nên tránh, như: Thói quen uống rượu, bia khi gặp gỡ bạn bè hay tiếp khách trong thời gian dài sẽ gây tác hại lớn đến sức khỏe, dễ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, viêm loét dạ dày, xơ gan, cao huyết áp, tiểu đường, thậm chí các bệnh hiểm nghèo như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Mỗi người hãy học cách từ chối uống rượu, bia để bảo vệ sức khỏe và an toàn bản thân; từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, trong thuốc lá có hơn 7.000 độc tố hoá học, trong đó có hơn 70 chất có thể gây ung thư. Nếu là người không hút thuốc lá, hãy chủ động tránh xa khu vực có người hút thuốc lá để tự bảo vệ sức khỏe bản thân.

Thực phẩm không an toàn cũng là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Để bảo vệ sức khỏe, nên thường xuyên tự chọn mua thực phẩm tin cậy và nấu ăn tại nhà. Ô nhiễm không khí, thiên tai bệnh dịch, biến đổi khí hậu cũng là nguy cơ tác động đến sức khỏe con người. Hành động bảo vệ bản thân bằng cách phối hợp với các yếu tố xã hội tác động tích cực, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố tiêu cực.

Để có một cơ thể khỏe mạnh, chống lại mọi bệnh tật, chúng ta cần dinh dưỡng hợp lý, an toàn lành mạnh sẽ giúp cơ thể hoạt động tốt, năng rèn luyện tập thể dục, thể thao tăng cường sức đề kháng; tạo thói quen sinh hoạt điều độ, vận động phù hợp cũng giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Ngược lại, việc ăn uống vô độ, thiếu khoa học, ít vận động, lạm dụng chất có hại như rượu bia, thuốc lá sẽ làm cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng, dễ mắc các bệnh tật nguy hiểm. Hiện nay có rất nhiều bệnh được xác định, nguyên nhân chủ yếu là do ăn uống và lối sống./.

Hoàng Chúc (CDC)

Xem thêm