Địa chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay có 09 người thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có 07 trợ giúp viên pháp lý và 02 luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Thông tin cụ thể như sau:

- Trợ giúp viên pháp lý:

+ Ông Sầm Văn Kính; Chức vụ, đơn vị: Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.

+ Ông Lý Văn Trung; Chức vụ, đơn vị: Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.

+ Bà Hoàng Thị Thu Hà; Đơn vị: Phòng Nghiệp vụ - Hành chính, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.

+ Ông Sầm Đức Tùng; Chức vụ, đơn vị: Trưởng Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1 (huyện Ngân Sơn).

+ Ông Đinh Xuân Diệu; Đơn vị: Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 3 (huyện Ba Bể).

+ Bà Nguyễn Phương Bằng; Chức vụ, đơn vị: Trưởng Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 4 (huyện Pác Nặm).

+ Bà Đỗ Thị Xuân; Chức vụ, đơn vị: Phụ trách Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 (huyện Na Rì).

- Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý:

+ Ông Hoàng Đình Toàn; Địa chỉ: Số nhà 06, tổ 10B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

+ Ông Vi Hiệp Cử; Địa chỉ: Số nhà 127, tổ 13, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

* Những ai được trợ giúp pháp lý miễn phí?

Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người được trợ giúp pháp lý bao gồm trường hợp sau đây:

“Điều 7. Người được trợ giúp pháp lý

1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.”

* Điều kiện khó khăn về tài chính được pháp luật trợ giúp pháp lý quy định như thế nào?

Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý như sau:

“Điều 2. Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý

Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.”

* Người được trợ giúp pháp lý có những quyền gì?

Người được trợ giúp pháp lý có các quyền được quy định tại Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, bao gồm:

Điều 8. Quyền của người được trợ giúp pháp lý

1. Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

2. Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

3. Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

4. Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này.

6. Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

7. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

8. Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

* Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào?

Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, gồm có:

“Điều 9. Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý

1. Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

2. Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.

3. Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.

5. Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.”

* Để được trợ giúp pháp lý phải nộp hồ sơ gồm những giấy tờ gì?

Để yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể gồm:

“Điều 29. Yêu cầu trợ giúp pháp lý

1. Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:

a) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;

b) Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

c) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.”

* Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người dân có thể nộp hồ sơ bằng những cách thức nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện bằng những cách thức sau:

- Nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;

- Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

- Gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

* Để chứng minh là người có công với cách mạng, người yêu cầu trợ giúp pháp lý cần cung cấp những giấy tờ gì?

Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng mà người yêu cầu trợ giúp pháp lý cần cung cấp quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 21/5/2021 của Bộ Tư pháp), gồm một trong các giấy tờ sau:

“Điều 33. Giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý

1. Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng gồm một trong các giấy tờ sau:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

b) Quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;

c) Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;

d) Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

đ) Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

e) Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.”

Xem thêm