Dẻo thơm hạt nếp vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
BBK - So với cách thu hoạch lúa thông thường bằng máy móc thì công đoạn thu hoạch lúa nếp sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn bởi phải hái bằng tay, cách này bông lúa khi xát ra sẽ đều hạt, không vỡ mà còn giữ được mùi thơm đặc trưng.
Lúa nếp mới của gia đình bà Đàm Thị Mến ở xã Phúc Lộc vừa thu hoạch.

Lúa nếp mới của gia đình bà Đàm Thị Mến ở xã Phúc Lộc vừa thu hoạch.

Ở Bắc Kạn, lúa nếp thường được cấy nhiều vào vụ mùa, bởi đây là thời điểm thích hợp nhất để bà con dự trữ gạo bán vào những tháng cuối năm, lượng gạo thóc cũng tiêu thụ mạnh hơn vào dịp này. Nếu như trước đây, người dân cấy giống lúa nếp chủ yếu là để phục vụ trong gia đình, làm bánh ngày Tết, thì bây giờ do nhu cầu thị trường, diện tích lúa nếp đã được mở rộng, sản xuất theo hướng hàng hóa.

Gia đình bà La Thị Ưu ở thôn Bản Mới, xã Hà Hiệu (Ba Bể) năm nào cũng cấy lúa nếp. Vài năm nay, gia đình bà đã tăng diện tích lên 2.000m2, một phần nhỏ chỉ cấy lúa tẻ đủ ăn hằng ngày. Năm nay lúa nếp tốt, bà phải huy động cả gia đình đi thu hoạch, do hái bằng tay nên mất khá nhiều thời gian, khoảng 01 tuần mới xong. Mặc dù thời gian thu hoạch lâu nhưng bù lại thóc nếp luôn có tư thương đến tận nơi đặt mua. Qua tính toán, vụ này bà thu về hơn 01 tấn thóc, giá bán tại chỗ 15.000 đồng/kg thóc khô, ước đạt khoảng 20 triệu đồng, cao gấp đôi so với lúa thường.

Giống lúa nếp chủ yếu thu hái bằng tay, nên bà La Thị Ưu ở thôn Bản Mới, xã Hà Hiệu (Ba Bể) phải huy động các thành viên trong gia đình đi hái.

Giống lúa nếp chủ yếu thu hái bằng tay, nên bà La Thị Ưu ở thôn Bản Mới, xã Hà Hiệu (Ba Bể) phải huy động các thành viên trong gia đình đi hái.

Lúa nếp thu hái cầu kỳ, phải tuốt từng bông, hơn nữa đặc điểm của bông nếp nặng, thường trĩu xuống khi chín, dễ đổ khi gặp gió to. Vào vụ, không ít ruộng nếp đổ rạp xuống, rất vất vả cho bà con khi đi hái. “Giống nếp khi hái xong phải bó lại thành từng bó to như chiếc chổi, phơi lên sào cho khô tự nhiên, chỉ cần để ngoài hiên nhà khoảng vài tuần là khô. Lúc này mang đi xát, hạt gạo sẽ không vỡ vụn mà tròn đều, giữ được mùi thơm lâu”, bà La Thị Ưu chia sẻ.

Sau khi hái từng bông, bà Ưu cột lại thành bó to.

Sau khi hái từng bông, bà Ưu cột lại thành bó to.

Bà Đàm Thị Mến ở thôn Thiêng Điểm, xã Phúc Lộc (Ba Bể) không giấu nổi niềm vui vì vụ này thu về trên 01 tấn thóc là giống Nếp Cái Hoa Vàng và Khẩu Nua Lương. Bà cho biết, mấy nay nhiều người hỏi mua nên gia đình cấy gần hết giống nếp, vì thóc nếp bán được giá. Thóc tuốt xong, phần rơm còn lại có thể bán (1kg bán khoảng 5.000 đồng), được nhiều người mua về làm chổi.

Bà Mến chia sẻ: "Gia đình cấy giống nếp chủ yếu vào vụ mùa, lúa nếp mới bao giờ cũng ngon và thơm hơn. Chúng tôi thường cất những bông to, đều để làm giống cho vụ sau, nhờ được giá nên ở xã rất nhiều người cấy lúa nếp”.

Lúa nếp được treo lên cao, phơi ở hiên nhà để khô tự nhiên.

Lúa nếp được treo lên cao, phơi ở hiên nhà để khô tự nhiên.

Giống nếp có thời gian sinh trưởng từ 110-115 ngày, kỹ thuật canh tác cũng giống như các loại lúa khác, hiện được đưa vào nhóm cơ cấu sử dụng giống lúa chất lượng của tỉnh. Một số nơi đã áp dụng khoa học kỹ thuật, canh tác theo hình thức hàng hóa, xây dựng thương hiệu vùng như: Khẩu Nua Lếch ở huyện Ngân Sơn; Nếp Tài ở huyện Ba Bể; Khẩu Nua Pái, huyện Chợ Đồn. Gần đây, huyện Bạch Thông đã và đang xây dựng mô hình với giống nếp bản địa Khẩu Nua Pì Pết, Khẩu Nua Lương.

Tùy theo tiểu khí hậu từng nơi, giống lúa nếp sẽ phù hợp với đặc điểm của mỗi vùng, tạo ra chất lượng gạo đặc trưng khác nhau. Giống lúa nếp ở tỉnh Bắc Kạn luôn được đánh giá thơm ngon, điều này góp phần tạo ra giá trị kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Xem thêm