ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội dành 02 ngày (27, 28/10) thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Xem xét tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, trong đó có kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022; dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý và việc tổng kết Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tập trung thảo luận những bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách; các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác; vướng mắc trong mua sắm công, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng…

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn phân tích những khó khăn trong khám chữa bệnh của một số nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế do địa phương đã thoát khỏi huyện nghèo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn (khu vực II, khu vực III) giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát kỹ lưỡng, chính xác, đánh giá chi tiết, cụ thể để thấy được người dân khu vực III, khu vực II giờ là khu vực I cuộc sống đã thật sự hết nghèo, hết khó hay chưa? Nhà nước không cần hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, có thể tự đóng bảo hiểm y tế, tự chi trả chi phí khám chữa bệnh ngoại trú; nội trú hay không? Đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng kết luận tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.

Đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chủ trương thực hiện biện pháp kỹ thuật trồng bổ sung làm giàu rừng các loài cây cho thu hoạch lâm sản ngoài gỗ và có hướng dẫn việc hưởng lợi đối với cây trồng này, góp phần giúp người dân miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện bảo vệ tốt rừng tự nhiên, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập. Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án có sử dụng diện tích rừng tự nhiên từ 20ha trở xuống, để đảm bảo chủ động và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng rừng tự nhiên trên địa bàn, nhất là dự án đường giao thông.

Đại biểu Ngân cho rằng, để giảm áp lực phá rừng, tăng cường nguồn lực bảo về rừng tự nhiên thì rất cần những giải pháp cụ thể, kịp thời, hệ thống thể chế hoàn chỉnh để có cơ sở pháp lý vững chắc tạo ra nguồn lực chi trả xứng đáng, đảm bảo đời sống cho người dân được giao quản lý bảo vệ rừng và hoạt động quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cho các địa phương có diện tích và tỷ lệ che phủ rừng lớn như Bắc Kạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tranh luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tranh luận tại hội trường.

Cũng trong phiên thảo luận sáng 27/10, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tranh luận về nguyên nhân tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc. Đại biểu đề nghị cần đánh giá đúng và đủ nguyên nhân việc dịch chuyển nhân lực với một số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành Y tế như thời gian vừa qua để có những giải pháp căn cơ, chiến lược. Đề nghị Chính phủ có những giải pháp để cải thiện môi trường làm việc của ngành Y, đẩy mạnh nền công nghiệp dược và sản xuất vắc xin, để chủ động nguồn lực ngay từ trong nước mà không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay.

Trong phiên thảo luận, các bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

Lục Thúy

Xem thêm