Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh

Thời tiết chuyển sang hanh và khô, cũng là điều kiện thích hợp cho các dịch bệnh như: tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm A... có nguy cơ bùng phát. Do vậy, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì cần có sự nỗ lực của các ban, ngành và người dân.

Thời tiết chuyển sang hanh và khô, cũng là điều kiện thích hợp cho các dịch bệnh như: tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm A... có nguy cơ bùng phát. Do vậy, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì cần có sự nỗ lực của các ban, ngành và người dân.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến thời điểm này, tình hình bệnh tay - chân - miệng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cả tỉnh đã có 1.607 ca mắc (tính đến 18/11). Ngoài ra, riêng trong tháng 10, toàn tỉnh có 741 trường hợp bị cúm, bệnh do vi rút Adeno là 11 người, tiêu chảy 110 trường hợp, thủy đậu là 6 ca... Mặc dù trong tháng 10 không có ca mắc bệnh dại, xong công tác tiêm phòng bệnh dại cũng được thực hiện nghiêm túc. Một số dịch bệnh khác như: Sốt xuất huyết, sốt rét…chưa phát hiện ca mắc nào. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã tăng cường đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể là chủ động trong công tác vệ sinh phòng bệnh, không để các bệnh nguy hiểm lây lan thành dịch. Ðồng thời, triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát, phát hiện, cách ly, thu dung và điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Đi đôi với đó là thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch, bệnh; giám sát, kiểm tra y tế các địa bàn giáp ranh nhằm ngăn chặn dịch, bệnh nguy hiểm lây lan. Còn đối với các cơ sở y tế thì tiếp tục tăng cường năng lực, cập nhật phác đồ điều trị, trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu cho người bệnh.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác truyền thông. Tuy nhiên, công tác truyền thông mặc dù  đã được triển khai tại cộng đồng, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở các chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, tẩm màn, xét nghiệm… Ðặc biệt, nhận thức của người dân về phòng, chống dịch, bệnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh tại cộng đồng, từ đó là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch, bệnh mới phát sinh, phát triển. Ở một số xã, phường, thị trấn, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, cũng như chưa quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ quan chuyên môn nhận định, thời điểm cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới thì nhu cầu về các loại thực phẩm là thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan từ động vật sang người. Vì vậy ngay từ bây giờ, ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch, bệnh. Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe đến người dân. Tập trung phổ biến kiến thức, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các hoạt động giáo dục về vệ sinh tại những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người.

Với mục tiêu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khống chế kịp thời và không để lây lan ra diện rộng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn, hy vọng rằng, với sự tham gia tích cực của các cấp, ngành và sự hưởng ứng tích cực của người dân thì công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh ta sẽ đạt được nhiều kết quả./.

Trần Hạnh

Xem thêm