Đầu xuân gặp gỡ những nữ giám đốc tiêu biểu

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Những ngày cuối năm Nhâm Dần cũng là thời điểm những cành hoa đào bung cánh khoe sắc đón xuân, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với một số nữ giám đốc hợp tác xã (HTX) điển hình của tỉnh. 

Tâm huyết với quả mơ vàng của địa phương

Chị Trịnh Thị Thư tâm huyết với quả mơ vàng của địa phương.

Chị Trịnh Thị Thư tâm huyết với quả mơ vàng của địa phương.

Gặp chị Trịnh Thị Thư, Giám đốc HTX Đoàn Kết, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) đúng thời điểm chị đang tất bật với công việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quả mơ vàng để có đủ số lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm ngày Tết của người dân. Những năm qua, chị Thư đã dành nhiều tâm huyết cho sản xuất chế biến, tiêu thụ quả mơ vàng của địa phương với mong muốn làm sao để quả mơ vàng có chỗ đứng ổn định, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân bản địa.

Chị Thư chia sẻ: Nhận thấy việc tiêu thụ quả mơ trên địa bàn phụ thuộc nhiều vào tư thương nên thường xuyên bị ép giá hoặc giá cả bấp bênh, thiếu ổn định, có những vụ sản lượng cao nhưng thu nhập từ việc bán mơ của người dân vẫn thấp, chưa thể làm giàu từ quả mơ vàng được nên nhiều hộ không còn chú trọng đầu tư, chăm sóc… Thấy vậy, chị đã liên kết các hộ dân thành lập HTX đứng ra thu mua và tiêu thụ quả mơ tươi cho người dân trên địa bàn xã, giúp người dân có chỗ tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, với suy nghĩ để quả mơ thật sự nâng cao được giá trị kinh tế, vươn tới thị trường lớn hơn thì cần thiết phải có hoạt động sản xuất, chế biến thay vì mua bán quả mơ tươi.

Nghĩ là làm, chị cùng với các thành viên của HTX bắt tay vào nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ quả mơ vàng. Vượt qua bao khó khăn bước đầu, HTX đã chế biến thành công sản phẩm ô mai mơ dẻo chua ngọt và ô mai mơ gừng mặn ngọt.

Không dừng lại ở đó, chị Thư còn nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm mới như mơ ngâm đường, mơ ngâm muối, rượu mơ nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm từ quả mơ được sản xuất trên dây chuyền khép kín từ khâu thu hoạch, sơ chế, ngâm muối, phơi khô, chế biến, đóng hộp, bảo quản. Sản phẩm sau khi chế biến, đóng hộp đảm bảo 100% an toàn thực phẩm, giữ nguyên được hương vị, màu sắc tự nhiên và các giá trị dinh dưỡng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Với nhiều nỗ lực, đến nay sản phẩm ô mai dẻo chua ngọt và ô mai mơ gừng mặn ngọt của HTX đã được công nhận và xếp hạng đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây chính là lợi thế để HTX chủ động đầu tư, nâng tầm sản phẩm trong tương lai./.

Mong muốn đưa gạo nếp Tài vươn xa

Giám đốc HTX Yến Dương Ma Thị Ninh.

Giám đốc HTX Yến Dương Ma Thị Ninh.

Thật khó để gặp gỡ và trò chuyện với chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương, xã Yến Dương (Ba Bể) vào dịp cuối năm. Bởi đây là thời điểm HTX của chị đang bộn bề với cả “núi” công việc như tham dự các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, hội nghị tập huấn, đi cơ sở giám sát việc thu hoạch đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, chế biến đóng gói, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Chị Ninh được đánh giá là nữ giám đốc trẻ năng động, sáng tạo, nhạy bén trong hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần đưa HTX Yến Dương ngày càng phát triển, trở thành một trong những HTX tiêu biểu trên địa bàn huyện Ba Bể, có nhiều đóng góp cho địa phương, đặc biệt là tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và các hộ dân liên kết.

Những năm gần đây, ngoài sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm bí xanh thơm của địa phương, chị còn dành tâm huyết để phát triển sản phẩm gạo nếp Tài của người dao Quế Lâm ở thôn Phiêng Phàng với mong muốn đưa sản phẩm gạo nếp bản địa vươn xa, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Nếp Tài là giống lúa truyền thống của đồng bào Dao Quế Lâm tại xã Yến Dương với hương thơm đặc trưng, dẻo và giàu dinh dưỡng. Vì vậy, HTX đã liên kết các hộ dân nơi đây để canh tác, sản xuất lúa nếp Tài theo hướng an toàn thực phẩm.

Năm 2021, HTX Yến Dương đã tiêu thụ thành công sản phẩm gạo nếp Tài với diện tích 18,5ha cho 82 hộ tham gia thực hiện theo chuỗi giá trị, năng suất lúa đạt 42 tạ/ha. Năm 2022 HTX đã phát triển mở rộng diện tích lên 30ha sang địa bàn các xã lân cận. Sau nhiều nỗ lực mở rộng diện tích, phát triển thương hiệu, đến nay sản phẩm gạo nếp Tài được rất nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, sản phẩm được hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Năm 2019, sản phẩm gạo nếp Tài được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2021, nhóm sản xuất lúa nếp Tài đã được chứng nhận tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS. Hiện nay sản phẩm gạo nếp Tài được phân phối đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chị Ninh chia sẻ: “Thời gian tới, HTX Yến Dương tiếp tục liên kết với các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác giống lúa nếp Tài để nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tích cực đưa sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước góp phần đưa sản phẩm gạo nếp Tài ngày càng vươn xa”./.

Giám đốc hợp tác xã “bén duyên” với nghề nấu rượu

Giám đốc Nông Thị Tâm bén duyên với nghề nấu rượu truyền thống.

Giám đốc Nông Thị Tâm bén duyên với nghề nấu rượu truyền thống.

Cuối năm 2022, lô rượu men lá đầu tiên của HTX rượu men lá Thanh Tâm, xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây không chỉ là niềm vui của chính quyền địa phương mà còn là niềm vui, động lực của chị Nông Thị Tâm, Giám đốc HTX và các thành viên.

Ngay trong ngày xuất khẩu lô rượu men lá đầu tiên đi Nhật Bản, mặc dù bận rộn với nhiều công việc nhưng chị Nông Thị Tâm vẫn dành cho chúng tôi chút thời gian quý báu để chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nấu rượu của chị.

Chị Tâm chia sẻ: Sau nhiều năm tích lũy được kinh nghiệm, tôi phát triển nghề nấu rượu truyền thống của gia đình với quy mô lớn hơn và xuất bán số lượng lớn ra thị trường. Nhận thấy tiềm năng để phát triển nghề nấu rượu ở địa phương là rất lớn, cuối năm 2016 tôi vận động các chị em phụ nữ trên địa bàn xã có chung sở thích góp vốn thành lập HTX. Một năm sau đó HTX rượu men lá Thanh Tâm được thành lập với 07 thành viên.

Vượt qua những khó khăn của ngày đầu mới thành lập, đến nay sản phẩm rượu men lá của HTX rượu men lá Thanh Tâm đã có chỗ đứng vững trên thị trường. HTX hiện có 4 thành viên, liên kết sản xuất với 11 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương để tham gia sản xuất rượu. Sản phẩm được dán tem, nhãn mác đầy đủ và được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi tháng HTX sản xuất, bán ra thị trường 10.000 lít rượu men lá. Chị Tâm và các thành viên đã chủ động tìm đối tác thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cuối năm 2022 lô rượu men lá đầu tiên của HTX gồm 4.000 chai, tương đương 2.000 lít rượu được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã mở ra hướng phát triển ổn định cho sản phẩm rượu của địa phương nói chung và của HTX rượu men lá Thanh Tâm nói riêng./.

Khẳng định thương hiệu trà hoa vàng Bắc Kạn

Chị Hà Minh Đợi, Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp, tổ 16, phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn).

Chị Hà Minh Đợi, Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp, tổ 16, phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn).

Năm 2020, nhận thấy trà hoa vàng tại địa phương có hương vị đặc trưng riêng, được nhiều khách hàng tin dùng, Công ty mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, đồng thời thu mua nguyên liệu từ người dân để chế biến. Đến nay, sản phẩm trà hoa vàng của công ty đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường với đa dạng sản phẩm như bông sấy khô và túi lọc. Năm 2022, sản lượng bông trà hoa vàng Công ty thu mua tại 02 huyện Bạch Thông, Chợ Đồn bình quân 40kg/ngày, liên tục trong mùa hoa 03 tháng với giá 600.000 đồng/kg. Chất lượng đi kèm với mẫu mã, bao bì đẹp, cao cấp nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Ngoài ra, Công ty sản xuất thêm các sản phẩm trà nụ vối, lá vối.

Trong năm 2022, các sản phẩm trà của Công ty đều được đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Đây là động lực để các sản phẩm của Công ty tiếp tục khẳng định chất lượng và vươn đến nhiều thị trường trong và ngoài nước. Để đáp ứng nguyên liệu sản xuất, công ty cam kết bao tiêu đối với các hộ trồng trà hoa vàng tại 02 huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, hiện nhân rộng thêm 10ha để ổn định nguồn nguyên liệu về lâu dài. Dự kiến trong năm 2023 công ty mở rộng diện tích sản xuất nông sản sạch để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng và kết hợp với các hoạt động trải nghiệm./.

06 sản phẩm của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang đạt OCOP

Chị Lường Thị Giang thu hái nấm cho khách.

Chị Lường Thị Giang thu hái nấm cho khách.

Từ manh nha, nhỏ lẻ rồi đến thành lập HTX và trải qua 5 năm hoạt động, sản phẩm nấm do HTX sản xuất đã có uy tín trên thị trường, được khách hàng tin dùng. Bình quân mỗi ngày HTX sản xuất 2.000 bịch phôi nấm; sản lượng nấm thu mỗi đợt khoảng 3 tạ; doanh thu dự kiến trong năm 2022 đạt trên 5 tỷ đồng. Hiện, HTX đang tạo việc làm cho 18 lao động, trong đó 10 lao động thường xuyên và 8 lao động thời vụ. Những nỗ lực của chị Giang và thành viên HTX càng được khẳng định khi có 06 sản phẩm đạt OCOP gồm: Nấm sò, mộc nhĩ nguyên tai, linh chi thái lát, nấm hương thái sợi, nấm hương nguyên tai, đông trùng hạ thảo khô.

Chị Giang chia sẻ: Với diện tích quy mô nhà xưởng sản xuất 5.000m2 và máy móc, thiết bị được đầu tư, hoạt động sản xuất đã đi vào ổn định, thị trường tiêu thụ được mở rộng, sang năm 2023 chúng tôi dự kiến đầu tư máy đảo trộn và đóng bịch để giảm sức lao động, tăng năng suất và phấn đấu sản lượng nấm doanh thu tăng gấp đôi năm cũ./.

Hà Thanh - Hà Nhung