Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới

Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt sàn thương mại điện tử khiến hoạt động mua bán online ngày một sôi động, tạo ra thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện giao thương. Nhưng cùng với đó, việc chống buôn lậu và gian lận thương mại của lực lượng chức năng cũng trở nên khó khăn, vất vả hơn.

Đội QLTT số 5, Cục Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về điều kiện kinh doanh mặt hàng thực phẩm tại chợ Công Bằng, huyện Pác Nặm.
Đội QLTT số 5, Cục Quản lý thị trường Bắc Kạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về điều kiện kinh doanh mặt hàng thực phẩm tại chợ Công Bằng, huyện Pác Nặm.

Với thị trường rộng lớn như mạng xã hội hiện nay, việc kiểm tra, quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người kinh doanh, khách hàng và sản phẩm là vô cùng khó khăn. Việc trao đổi kinh doanh diễn ra hàng ngày, hàng giờ với tốc độ nhanh chóng, mẫu mã sản phẩm gồm nhiều chủng loại, khách hàng đa dạng từ ngành nghề, độ tuổi, quốc tịch. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trực tuyến gặp không ít khó khăn, thách thức do hoạt động buôn lậu, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương, hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, sức tiêu thụ hàng hóa tại Bắc Kạn có chiều hướng giảm. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên chỉ đạo ngành chức năng chủ động và tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để các vụ việc vi phạm nghiêm trọng xảy ra, từng bước nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, tình hình chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhìn chung tương đối tốt. Công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương được tăng cường; công tác tuyên truyền được đổi mới và trực tiếp đến tận cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn một số hành vi vi phạm xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 428 vụ vi phạm, tăng 71 vụ so với cùng kỳ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,9 tỷ đồng. Hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý chủ yếu là: Buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng; vi phạm về đăng ký kinh doanh, xúc tiến thương mại; vi phạm về niêm yết giá, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế và đẩy lùi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp thúc đẩy mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường hàng hóa sẽ diễn ra sôi động, phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cùng với đó, đây cũng sẽ là dịp hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp - nhất là hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tác động xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh và tình hình an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Vì vậy thời gian tới, các cấp ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Các lực lượng chức năng phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên để kiểm soát chặt chẽ thị trường, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng và kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Các sở, ngành chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý, nêu cao trách nhiệm trong vai trò thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh. Tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh an thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài không có giải pháp khắc phục. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp bao che, dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.

Ngôn Thị  Hiền (Cục QLTT tỉnh)

Xem thêm