Dấu chân lặng thầm

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tác phẩm đạt giải Ba Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.

- Ê, chúng mày ơi! Ông Ba thọt, ông Ba thọt đến rồi.

- Đâu? Đâu?

- Ở đằng kia kìa! Ngay cạnh gốc cây bàng đó.

- A thấy rồi, ông Ba lại đến bốc gạch đấy, bọn mình đến phụ giúp ông đi.

- Uh, nhanh lên! Nhanh lên!

Dưới cái nắng oi ả của buổi trưa hè, tiếng lũ trẻ gọi nhau vang vang ở đầu làng khiến nó phải ngoái lại nhìn, thì ra bọn chúng đang hò nhau tới giúp một ông cụ đang bốc gạch lên chiếc xe cút kít. Trông ông lão đó có vẻ đi lại khó khăn, hình như chân ông bị thọt. Nhìn thấy cảnh tượng đó nó cũng không thể làm ngơ, vội dựng chiếc xe đạp bên đường rồi nó chạy lại gần ông lão đề nghị:

Hai thế hệ Minh hoạ: Quang Duy

Hai thế hệ

Minh hoạ: Quang Duy

- Ông ơi! Cháu cũng xin được giúp ông một tay ạ!

Bất ngờ và vui mừng khi được bọn trẻ đến giúp, ông lão mỉm cười nhìn chúng rồi hiền từ nói:

- Cảm ơn các cháu! Đúng là những đứa trẻ ngoan.

Với sự giúp sức của 4 đứa trẻ, chẳng mấy chốc chiếc xe cút kít của ông lão đã xếp đầy gạch. Xong việc, ba cậu bé kia xin phép ra về, chỉ còn nó vẫn còn nán lại. Thấy vậy, ông lão bảo:

- Gạch đã xếp đầy xe rồi, sao cháu còn chưa về?

- Dạ, cháu muốn giúp ông đẩy xe đến tận nhà ông ạ!

- À, gạch này không phải mang về nhà ông.

- Ơ, vậy ông mang gạch này đi đâu ạ? Với lại cháu thấy nó cũng vỡ rồi…

Thấy nó thắc mắc, ông lão mỉm cười giải thích:

- Ông lấy về để xây tường cho Khu di tích Đồn Phủ Thông cháu à! Mấy hôm trước trời mưa nhiều nên một mảng tường đã bị đổ. Dù gạch đã bị vỡ vụn, người ta bỏ đi rồi, nhưng ông thấy còn dùng được nên không muốn lãng phí.

Nhìn ông lão tuổi đã cao, chân đi lại bất tiện mà vẫn còn cố gắng làm việc, nó cảm thương cho ông lão vô cùng. Rồi nó áy náy hỏi:

- Ông ơi, sao chân ông bị như vậy mà người ta vẫn bắt ông làm việc này ạ? Nhà ông ở đâu? Người thân ông đâu rồi?

Câu hỏi dồn dập của nó khiến ông lão bật cười. Vừa đi ông vừa lấy tay xoa đầu nó và nhẹ nhàng nói:

- Cháu hỏi nhiều thế thì ông trả lời sao kịp? Thực ra việc này là ông tự nguyện làm đấy cháu ạ! Không ai ép buộc ông đâu. Cháu nhìn này, chân ông tuy cà nhắc thế thôi nhưng đi nhanh lắm nhé!

Nói rồi ông lão thể hiện màn trình diễn điêu luyện với đôi chân bị tật cho nó xem, ông còn lém lỉnh pha trò khiến nó cười rũ rượi. Sự vui vẻ, vô tư của ông lão khiến nó càng thêm tò mò về con người này hơn. Rồi nó lấy hết can đảm để hỏi về đôi chân khiếm khuyết của ông lão:

- Ông ơi! Vì sao chân của ông lại bị “thọt” ạ? À…à…không…không phải...Cháu không có ý đó, ông đừng giận cháu nhé! Ý cháu là…là…là sao chân của ông lại bị…bị tật như vậy hả ông?

Nhìn biểu cảm ấp a ấp úng của nó, ông lão cười phá lên làm nó càng cảm thấy ngượng ngùng. Lát sau ông lão ngừng cười, rồi nhẹ nhàng quay sang nó ôn tồn bảo:

- Không sao đâu cậu bé, ông quen với điều đó rồi, mọi người ở đây đều gọi ông là “ông Ba thọt”. Ông không giận, thậm chí ông còn thấy tên gọi này cũng đáng yêu đấy chứ? Chính cái chân này luôn nhắc nhở ông về một thời quá khứ hào hùng mà ông không bao giờ quên được. Cháu có muốn nghe kể “sự tích về cái chân bị thọt” không?

- Dạ, có ạ! Ông kể cho cháu nghe với!

Rồi bằng giọng chậm rãi, ông Ba bắt đầu kể: “Ông tên thật là Nông Xuân Ba, sinh ra ở thôn Khuổi Lừa, xã Phương Linh (nay sáp nhập với thị trấn thành thị trấn Phủ Thông). Năm 19 tuổi, ông nghe theo tiếng gọi của cách mạng để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hồi ấy ở độ tuổi đó, ai cũng hừng hực khí thế, quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Những năm 1947-1948, giặc Pháp điên cuồng tấn công vào Bắc Kạn, chúng tiến quân lên, chiếm đóng, xây đồn kiên cố trên một mỏm đồi tại khu vực núi Nà Cọt, thị trấn Phủ Thông, nhằm khống chế và tiêu diệt lực lượng của ta. Tại đây, quân ta đã 3 lần tập kích tấn công đồn Phủ Thông và giành chiến thắng vang dội, đánh tan âm mưu của địch, buộc chúng phải phải rời khỏi thị xã Bắc Kạn. Tuy nhiên trong trận đánh thứ 2, do liều mình đánh vào doanh trại trong cứ điểm của địch, ông đã không may bị địch bắn vào chân bên phải, dù được đồng đội ứng cứu kịp thời nhưng do không xử lý tốt vết thương, lại không có thuốc thang như bây giờ nên đã để lại tật vĩnh viễn”.

Ngừng lại trong giây lát, ông Ba nói tiếp: “Ông còn may mắn là được sống đến giờ phút này, còn những người đồng đội, đồng chí của ông đều đã nằm lại trên chiến trường khói lửa. Họ đã hy sinh xương máu của mình để đổi lấy hòa bình, tự do cho ngày hôm nay đấy cháu ạ!”

Nói đến đây, giọng ông Ba nghẹn ngào, không phải vì đôi chân không còn lành lặn mà vì những kỷ niệm xưa cũ ùa về khiến ông cảm thấy bồi hồi. Lúc này nó mới hiểu vì sao chân của ông Ba lại bị như vậy, rồi nước mắt nó tự nhiên chảy dài trên gò má. Mặc dù đã được nghe kể những câu chuyện lịch sử về Đồn Phủ Thông qua sách vở, nhưng nó chưa bao giờ thấy xúc động như thế. Vội lau đi giọt nước mắt, nó khẽ khàng hỏi tiếp:

- Ông ơi! Trong lịch sử có viết trận đánh Đồn Phủ Thông có ý nghĩa vô cùng to lớn, ông có thể cho cháu biết rõ hơn được không ạ?

Câu hỏi của cậu bé khiến ánh mắt ông Ba trở nên rạng ngời, không giấu nổi niềm vui, ông tự hào nói:

- Gọi trận đánh này có ý nghĩa to lớn bởi đây là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng mang lại niềm tin, kinh nghiệm lớn cho bộ đội ta trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Đồng thời là cuộc tập dượt, rút kinh nghiệm để quân đội Nhân dân Việt Nam đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào năm 1954 mà trong sách lịch sử đã viết đấy cháu!

Nghe ông Ba phân tích, như chợt nhớ ra điều gì, nó nhanh nhảu tiếp lời:

- À, cháu hiểu rồi ông ạ! Chính vì ý nghĩa to lớn đó, ngày 27/3/1998, Bộ Văn hóa, thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đã xếp hạng di tích lịch sử Đồn Phủ Thông là di tích lịch sử cấp Quốc gia phải không ông?

Ông Ba khẽ gật đầu rồi mỉm cười nhìn cậu bé nói:

- Đúng rồi, cháu giỏi quá. Từ khi được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia đến nay, di tích lịch sử Đồn Phủ Thông đã đón rất nhiều đoàn khách từ Trung ương và địa phương về thăm. Nơi đây cũng là nơi giáo dục tư tưởng đối với thế hệ trẻ, ghi nhớ công ơn của những lớp người đi trước đã ngã xuống để chúng ta được sống trong hòa bình, ấm no.

Sau đó ông Ba còn kể cho nó nghe nhiều câu chuyện nữa, nào là ông đã đánh giặc ra sao? Phải trải qua những gian khổ như thế nào? Rồi khi chiến tranh kết thúc, ông đi tìm lại đồng đội cũ, họ cùng nhau đi khắp nơi để kiếm nhiều loại cây có bóng mát, thích hợp về trồng ở khu di tích Đồn Phủ Thông. Họ còn thường xuyên lui tới khu di tích để thắp hương, tưởng niệm đồng đội đã mất. Đặc biệt, khi thấy khu di tích có những chỗ bị xuống cấp, hỏng hóc, ông và những người đồng đội của mình đã góp công tu sửa. Những viên gạch vụn mà ông đang chở trên xe này cũng là để góp phần làm cho khu di tích đẹp hơn.

Giọng kể trầm ấm của ông Ba khiến nó càng nghe càng cảm thấy xúc động, từng chữ được nó khắc cốt ghi tâm. Bỗng dưng nó muốn nhìn kỹ hơn con người này, nó đi chậm lại rồi lặng lẽ quan sát. Đó là một ông lão gầy gò, khoác trên mình một chiếc áo bộ đội đã sờn vai, làn da ông nhăn nheo, mái tóc đã bạc gần hết, nó đoán chừng năm nay ông cũng khoảng ngoài tám mươi tuổi. Khuôn mặt ông có nhiều vết đồi mồi, đôi bàn tay thô ráp chai sạn, đôi chân thì bị lệch một thấp một cao, nhưng trong đôi mắt ông có sự cương nghị, rắn rỏi. “Chiếc xe chở gạch này quả thật quá sức với ông, vậy mà sắc mặt ông không hề thay đổi, ánh mắt ông vẫn lấp lánh, rạng ngời, tràn đầy sự lạc quan”. Nó nghĩ và thầm cảm phục ông lão.

- Cẩn thận hòn đá kìa, cậu bé!

Giọng nói của ông lão đột ngột cất lên phá tan dòng tâm tưởng của nó, xém chút nữa thì nó đã vấp phải hòn đá to trên đường. Nó cười xòa để thoát khỏi sự ngượng ngùng. Lúc này khu di tích đã hiện lên trước mắt, Ông Ba nhẹ nhàng nói với nó:

- Thôi đến nơi rồi, cháu về đi kẻo muộn.

- Dạ, cháu giúp ông đẩy xe vào bên trong rồi cháu về ạ!

Nói rồi nó giúp ông Ba thọt đẩy chiếc xe cút kít chở gạch vào trong sân khu di tích. Xong việc, nó chào ông ra về, vừa đi nó vừa nghĩ về những câu chuyện kể khi nãy. Rồi nó lại nghĩ về ông Ba, dù đôi chân không còn lành lặn nhưng người lính già ấy vẫn lặng thầm gom góp những viên gạch hồng để tô đẹp cho đời. Câu chuyện kể của người lính bộ đội cụ Hồ cũng giúp nó hiểu rằng bản thân phải luôn nỗ lực học tập để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông. Rồi một ý nghĩa chợt lóe lên trong đầu nó “Chiều nay tan học mình sẽ rủ thêm mấy đứa bạn đến phụ giúp ông Ba xây lại tường cho khu di tích Đồn Phủ Thông”.

Nghĩ rồi nó đạp xe thật nhanh về nhà, con đường trước mắt nó dường như đẹp hơn mọi ngày, bầu trời cũng xanh hơn, những tia nắng lấp lánh cũng như đang nhảy nhót, đùa vui cùng chiếc lá. Lòng nó bỗng vui vui lạ…

Tác giả: Hoàng Thúy Kiều

Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn

Xem thêm