Dân vận khéo góp phần bảo vệ môi trường

Thời gian qua, huyện Chợ Mới đã triển khai và duy trì nhiều mô hình "Dân vận khéo" gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó góp phần nâng cao ý thức người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Thôn Nà Cà 1 (xã Cao Kỳ) có 96 hộ dân, với 372 nhân khẩu. Các hộ dân chủ yếu sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 3 và kinh doanh buôn bán. Trước đây, việc thu gom và xử lý rác thải ở thôn vẫn được thực hiện theo kiểu “mạnh ai người nấy làm”, chỗ nào có đất trống là người dân mang đến đổ, phổ biến nhất là tình trạng xả rác thải ngay trong vườn nhà, đổ ra đường, sông, suối... dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm.

Bà Nông Thị Nở, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Trước thực trạng trên, Chi ủy thôn đã bàn bạc và thống nhất xây dựng mô hình thu gom rác thải theo hình thức chia các hộ dân thành nhóm nhỏ, luân phiên nhau đi thu gom và xử lý rác. Ban đầu, vì chưa nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của mô hình nên một số hộ vẫn chưa thực sự đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, sau quá trình phân tích, tuyên truyền, vận động thì mọi người bắt đầu hưởng ứng tham gia nhiệt tình.

Đều đặn vào 4h chiều hằng ngày, rác của từng hộ được thu gom và mang ra lò xử lý rác thải chung của thôn để đốt. Mỗi tháng thôn sẽ tổ chức dọn dẹp lò xử lý rác một lần. Phân loại rác thải và cho vào bao tải, túi nilon trước khi thu gom là thói quen của mỗi người dân trong thôn Nà Cà 1 hiện nay.

Theo ông Đồng Phúc Toản, Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ, qua hơn 2 năm thực hiện mô hình thu gom rác thải của thôn Nà Cà 1 đã góp phần làm giảm tình trạng túi nilon, chai nhựa, vỏ lon vứt bừa bãi. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm của người dân đã được nâng cao khi họ đã tự giác nhắc nhở người thân trong gia đình cùng tham gia và thực hiện đúng cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường. Đây là một mô hình thiết thực đáng để các thôn khác học tập và làm theo.

Còn tại xã Tân Sơn, xác định tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới là tiêu chí “động”, phải duy trì thực hiện thường xuyên. Năm 2017, Hội Nông dân xã đã tham mưu, đăng ký với cấp ủy, chính quyền xây dựng mô hình dân vận “Sạch nhà, tốt ruộng” thực hiện điểm tại thôn Bản Lù. Để tiết kiệm kinh phí, Hội đã dùng thùng phi cũ để làm các thùng chứa rác đặt tại bờ ruộng, khu vực nhà văn hóa.

Sau 5 năm thực hiện, giờ đã thành thông lệ, ngày 23 hằng tháng các chi hội nông dân trong toàn xã sẽ đồng loạt tổ chức tổng vệ sinh, quét dọn đường làng, ngõ xóm, cắt cỏ, phát quang bụi rậm, thu gom bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật… Diện mạo nông thôn của xã, đặc biệt là tại các bờ ruộng, tuyến đường chính của xã đã có sự chuyển biến rõ nét, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng nâng lên.

Phát huy những kết quả đã đạt, Hội Nông dân xã đã tiếp tục nhân rộng mô hình ra các thôn Nặm Dất, Nà Khu, Phja Dạ, Khuổi Đeng 1 và Khuổi Đeng 2, huy động ngày càng nhiều hộ dân tham gia, góp phần tạo nên cảnh quan môi trường sạch, đẹp hơn cho địa phương.

Các tuyến đường tự quản của phụ nữ Chợ Mới về vệ sinh môi trường được duy trì hiệu quả
Các tuyến đường tự quản của phụ nữ Chợ Mới luôn được quét dọn sạch sẽ và trồng cây xanh.

Ông Dương Văn Hà, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Chợ Mới cho biết: Với những cách làm sáng tạo gắn với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiều mô hình dân vận khéo đã góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, như: Duy trì có hiệu quả hoạt động của các thùng rác công cộng đặt tại cơ quan, đơn vị, trường học và trụ sở các xã, thị trấn; sử dụng hiệu quả lò đốt rác tại các thôn, bản; xây dựng các tuyến đường tự quản của phụ nữ, thanh niên... 

Từ năm 2018 đến năm 2020, huyện có 102 mô hình đăng ký thực hiện mô hình trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, trong đó nhiều mô hình bước đầu có hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục khuyến khích các xã, thị trấn nhân rộng những mô hình "Dân vận khéo" có hiệu quả về bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng tham gia giữ gìn cảnh quan chung./.

Huyền Thương

Xem thêm