Đậm đà bản sắc xứ Lạng

Trong khuôn khổ “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX", Lạng Sơn nổi bật với gian trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm văn hóa và du lịch cùng với tái hiện không gian nghi lễ cấp sắc then Tày mang đậm bản sắc vùng miền...

Trong khuôn khổ “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX", Lạng Sơn nổi bật với gian trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm văn hóa và du lịch cùng với tái hiện không gian nghi lễ cấp sắc then Tày mang đậm bản sắc vùng miền...

“Thiên đường” ẩm thực

Đến với xứ Lạng, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cũng sông núi, mà còn được thưởng thức những đặc sản mang đậm hương vị con người vùng rừng núi Đông Bắc. Trong số những món ăn đặc trưng ấy, phải kể đến lợn sữa quay mác mật, một món ăn được coi là đặc sản của người dân xứ Lạng.

Món ăn này không chỉ ngon mà còn được chế biến rất kì công và có hương vị rất riêng. Khó có nơi nào có món lợn quay sánh bằng Lạng Sơn. Bởi lẽ, nếu đơn thuần chỉ chọn lấy con lợn, sau khi làm thịt rồi quay với các gia vị khác thì không tạo nên tính độc đáo của món quay này. Cầu kỳ từ khâu chọn lợn ban đầu. Lợn quay phải chọn những con tầm 20-35kg hơi, loại to quá thì béo, mỡ nhiều ăn sẽ ngấy. Loại nhỏ dưới 20kg thì chưa thành thịt, nhão và không có vị thơm.

Lợn cả con được cạo lông làm sạch từ thủ lợn đến chân giò, cạo trắng cả con nhưng không để da lợn bị xước rách, để khi quay chín da lợn không bị vỡ làm mất nước ngọt và mùi thơm của thịt. Lợn làm sạch lông, đem mổ moi hết nội tạng để tẩm ướp gia vị. Muối, tiêu được xát đều trong bụng lợn cho ngấm, rồi lấy lá mác mật đã rửa sạch cho vào bụng lợn. Lợn quay nóng không xẻ luôn mà phải chờ cho nguội để khi chặt thịt không bị nát. Lợn sau khi quay được chặt chặt thành từng miếng vừa ăn xếp ra đĩa, da óng màu mật, vàng rộm cánh gián. Thịt ăn chắc có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị béo ngậy của dầu hòa quyện với mật ong rừng.

Gian hàng trưng bày
Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm rượu Mẫu Sơn tại không gian triển lãm sản phẩm văn hóa du lịch.

Bên cạnh đó, phở chua Lạng Sơn được biết đến như là món ăn được ưa chuộng vào mùa thu và mùa hè. Phở chua được coi là món ăn đặc sản đáng tự hào của người Lạng Sơn, bởi vậy nó là món không thể thiếu trong các dịp đón khách quý tới nhà. Nguyên liệu của món phở chua cũng khá kỳ công với hai phần: nguyên liệu khô và phần nước. Phần khô trước hết phải kể đến là bánh phở được làm se lại sao cho vừa dẻo vừa dai, khoai tây thái chỉ đảo qua dầu ăn cho thật giòn và vàng rộm lên, gan lợn cũng thái mỏng bằng lòng bàn tay rán cháy cạnh… Phở chua được ăn kèm với các loại thịt như: thịt ba rọi, thịt vịt hay dạ dày quay được tẩm ướp tỏi và các gia vị khác tạo nên một hương vị riêng của tô phở. Điều làm nên sự khác biệt của phở chua xứ Lạng với các địa phương khác, là thứ gia vị đặc biệt mà người địa phương quen gọi là xúng xàng tạo ra một hương vị rất lạ.

Cùng với đó, đào Mẫu Sơn, quýt Bắc Sơn, khâu nhục, bánh cuốn trứng… đều là những sản vật, món ăn ngon nức tiếng. Nhưng có lẽ, để thấy hết vị ngon của ẩm thực, phải uống cùng với rượu Mẫu Sơn, thứ rượu trong vắt như nước suối, nhưng mang vị đậm đà, không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc… Khiến ai đã từng uống một lần thì mãi không quên được. Rượu Mẫu Sơn do chính tay người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn (Lộc Bình – Lạng Sơn) ở độ cao 800 -1000m so với mực nước biển chưng cất bằng phương thức truyền thống, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối (được lấy từ những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1.000m), thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm như: cây 30 rễ, dây nước, trầu rừng, dây ngọt… Các loại thảo dược sau khi rửa sạch, phơi khô thì trộn đều, giã nhỏ với nhau và đem đun. Đợt nước đầu dùng để nhào bột, nước hai để ngâm gạo. Hương vị đặc trưng của rượu Mẫu Sơn được khẳng định qua việc đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn: nấu cơm, trộn men, ủ lên men và cho vào hũ, bịt kín trong khoảng 15-25 ngày mới đem chưng cất.

Độc đáo không gian nghi lễ cấp sắc then Tày

Trong buổi trình diễn, giới thiệu trích đoạn nghi lễ sinh hoạt văn hóa, trích đoạn lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc, đoàn Lạng Sơn đã tái hiện rõ nét không gian nghi lễ cấp sắc then Tày. Then - Di sản văn hóa đặc sắc đã đi vào đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Nghề then nói chung và then Tày nói riêng ở tỉnh Lạng Sơn có những cách thức hành nghề, không gian diễn xướng, nghi lễ… rất đặc trưng. Trong những nghi lễ ấy, nghi thức cấp sắc lần đầu là một trong những nghi lễ chính của “Lẩu khai quang” (Đại lễ mở hào quang cho người làm then), đó là minh chứng để cho một người có căn duyên hành nghề này được chứng nhận đủ khả năng để tiến hành nghi lễ cúng, bái, cầu an trong đời sống tâm linh của cộng đồng.

Đậm đà bản sắc xứ Lạng ảnh 2

Không gian nghi lễ cấp sắc then Tày được các nghệ nhân tái hiện rõ nét trên sân khấu.


Để nghi lễ cấp sắc diễn ra suôn sẻ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục như phong tục tập quán đời xưa truyền lại, nhà làm then (thậm chí cả họ hàng) phải chọn ngày lành tháng tốt, thống nhất các phần nghi lễ, phân công các công việc cần thiết cho cuộc lễ. Bản thân người được chọn hành nghề (con then) cũng cần phải giữ cho sạch sẽ, kiêng cữ nhiều điều, bảo vệ sức khỏe tốt từ 2-3 tuần lễ. Đến giờ lành, thầy Tào (chủ cuộc lễ, người có vai trò quyền uy cao hơn người làm then, có thể đọc sớ chữ hán, nôm) bước ra chính điện chắp tay khấn vái tổ sư cao tay cho phép bắc chiếc khăn trắng từ bàn then ra ngoài sân thượng và thực hành các nghi lễ cho con Then. Con then nghe hiệu lệnh bước lên dải vải trắng đi từ từ ra phía sân thượng, hai bên có 4 người con gái múa chầu theo hầu. Thầy Tào làm tiếp nghi thức tẩy uế và cắt tóc tượng trưng cho con then.

Tại chính điện, cả đoàn dừng lại, con then quỳ xuống chiếu. Thầy Tào thực hiện các nghi thức của việc cấp sắc. Đoạn đầu thầy Tào đọc một bài khấn. Kế đó, thầy Tào sẽ lần lượt cấp các đồ nghề làm then cho con then, mỗi loại đồ nghề thầy lại đọc mấy câu khấn với ý nghĩa trao đầy đủ đồ nghề cho con then, lúc này con then quỳ dưới sân chắp tay nghiêm trang đón nhận. Các nghi lễ như cấp chiếc mũ, cấp ấn, cấp bộ quẻ âm dương, chuông, quạt, kiếm; quần áo, đai, hài, giày được sân khấu hóa nhưng vẫn mang đậm chất văn hóa dân tộc. Xong việc cấp sắc, thầy Tào giao tờ sắc đã viết sẵn cho con then và làm động tác niệm chú, dứt lời thầy sẽ trở về bàn then, con then lúc này vui mừng đàn và múa chầu tiến dần vào nhà, trên đầu có dải vải đỏ cuốn sắc theo sau... Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, giữ gìn, bảo tồn những yếu tố truyền thống của dân tộc.

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”

Câu ca dao lưu truyền từ bao đời ấy như lời mời gọi du khách đến với vùng cao xứ Lạng để cùng khám phá vẻ đẹp non nước hữu tình, đắm mình trong những điệu then, lượn, sli ngọt ngào đằm thắm, để khám phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây, hay chỉ để nghiêng ngả chếnh choáng say trong men rượu trên đỉnh Mẫu Sơn hùng vĩ, nơi hòa quyện của núi và mây.../.


Phạm Ngân

Xem thêm