Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sáng 20/7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Sỹ Huân đã trả lời trực tiếp các vấn đề đại biểu nêu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân - đơn vị huyện Ba Bể chất vấn: Dong riềng là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong tỉnh. Tuy nhiên hiện nay diện tích trồng dong riềng tại các huyện có xu hướng giảm dần. Để phát triển vùng trồng dong riềng bền vững của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí tham mưu cho tỉnh thực hiện những giải pháp nào?

Trả lời nội dung này, ông Hà Sỹ Huân cho biết: Dong riềng là một trong những cây trồng thế mạnh của tỉnh và được triển khai từ năm 2011 đến nay. Chúng ta đã có sản phẩm OCOP 5 sao từ dong riềng và xuất khẩu sang châu Âu. Có những thời điểm tỉnh trồng trên 2.000ha dong riềng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, chúng ta xác định từ đây đến năm 2025 giữ ổn định ở mức 800 đến 1.000ha. Kết thúc vụ trồng dong riềng năm 2022, chúng ta mới trồng được hơn 500ha. Như vậy nguy cơ thiếu nguyên liệu cho một số HTX, cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn rất cao, điều này có thể ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như sản phẩm miến dong. Về giải pháp trong thời gian tới, ông Huân cho rằng cần tập trung trồng theo vùng sản xuất đã được quy hoạch. Thực hiện tốt Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Cấp uỷ, chính quyền địa phương phát huy vai trò chỉ đạo, định hướng, dẫn dắt là cầu nối giữa người dân và HTX, các doanh nghiệp để thực hiện tốt liên kết…

Đại biểu Trần Thị Thu Hương đơn vị huyện Ngân Sơn chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đại biểu Trần Thị Thu Hương đơn vị huyện Ngân Sơn chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thu Hương - đơn vị huyện Ngân Sơn về nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục tình trạng phá rừng trái phép gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, ông Hà Sỹ Huân khẳng định: Trước hết, để xảy ra tình trạng các vụ vi phạm lâm luật tăng là trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kinh tế lâm nghiệp đang mang lại giá trị cao, nhu cầu trồng rừng để phát triển kinh tế - xã hội là thiết yếu. Trong số vụ vi phạm phần lớn là phát rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng hoặc trồng một số loại cây khác như thạch đen, sắn, ngô… Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng giải pháp chính là bằng chính sách, trong đó Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh, các chính sách của vùng dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới sẽ là cơ hội cho các hộ dân liên kết sản xuất, trồng các cây trồng và chăn nuôi cho phù hợp, từ đó giảm thiểu tác động vào rừng. Ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng. Về lâu dài khi triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), theo đó Tín chỉ các-bon tới đây sẽ là lợi thế cho Bắc Kạn nâng cao mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân có rừng và quản lý bảo vệ rừng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Sỹ Huân trả lời các đại biểu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Sỹ Huân trả lời chất vấn.

Liên quan đến vấn đề các công trình thuỷ nông xuống cấp nhưng chậm sửa chữa, nguyên nhân và giải pháp, được đại biểu Hoàng Minh Hải - đơn vị huyện Chợ Mới đưa ra, ông Hà Sỹ Huân cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.400 công trình thuỷ lợi nhỏ và vừa. Do các công trình này được đầu tư qua rất nhiều giai đoạn, có công trình được đầu tư từ những năm 1980, hiện nay xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay tỉnh đang giao cho Công ty TNHH MTV Thuỷ nông Bắc Kạn trực tiếp quản lý và vận hành 389 công trình, số còn lại phân cấp cho các địa phương quản lý. Kinh phí quản lý, bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn hết sức khó khăn. Vừa qua Sở đã rà soát và báo cáo cụ thể với Ban cán sự UBND tỉnh, UBND tỉnh giao cho Sở xây dựng "Đề án nâng cao năng lực, khả năng quản lý, vận hành các công trình thuỷ lợi trong giai đoạn tới". Khi triển khai đề án này sẽ là giải pháp căn cơ khắc phục được cơ bản những tồn tại trong quản lý công trình thuỷ lợi trên địa bàn…

Tại phiên chất vấn, 08 lượt câu hỏi chất vấn đã được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Sỹ Huân giải trình, báo cáo làm rõ; đồng thời Giám đốc Sở Công thương Hoàng Hà Bắc và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Công Hòa cùng chia sẻ trách nhiệm, làm rõ thêm những vấn đề thuộc ngành quản lý./.

Nông Vui

Xem thêm