Đã đến lúc TP. Bắc Kạn cần điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Những năm qua, thành phố Bắc Kạn đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, quỹ đất ngày càng bị thu hẹp đang là trở ngại lớn để đô thị trung tâm của tỉnh thu hút đầu tư, phát triển xứng tầm.
Một góc thành phố Bắc Kạn.

Một góc thành phố Bắc Kạn.

Theo Quyết định số 713/QĐ-BXD ngày 02/8/2012 của Bộ Xây dựng về việc công nhận thị xã Bắc Kạn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bắc Kạn và Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13 ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, tổng diện tích tự nhiên của thành phố hiện khoảng 137km2, quy mô dân số 56.818 người.

Có thể thấy, thành phố Bắc Kạn có diện tích nhỏ hơn so với các huyện trong tỉnh, cũng như so với các đô thị loại III trong cả nước. Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, quy mô dân số của thành phố Bắc Kạn mới đạt 75,76% mức tiêu chuẩn. Mặt khác, thành phố Bắc Kạn mới có 08 xã, phường, trong khi tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh phải có số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc từ 10 đơn vị trở lên.

Trong quá trình đô thị hóa, quỹ đất của thành phố ngày càng bị thu hẹp, không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển đô thị. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn thiếu; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch. Nguyên nhân của các hạn chế này là do chất lượng đồ án quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, công tác quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ; chưa tạo được mặt bằng, quỹ đất thuận lợi để thu hút nhà đầu tư; quy mô dân số thấp, thiếu nguồn nhân lực làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiềm năng phát triển không gian đô thị của thành phố Bắc Kạn bám dọc hướng tuyến QL3.
Tiềm năng phát triển không gian đô thị của thành phố Bắc Kạn bám dọc hướng tuyến QL3.

Qua bản đồ địa hình hiện trạng cho thấy, thành phố Bắc Kạn phát triển chủ yếu dọc theo QL3, bị sông suối và các dãy núi cao chia cắt, quỹ đất theo hướng Đông – Tây khá hạn hẹp. Cơ hội phát triển phù hợp hơn cả cho thành phố là cần mở rộng không gian về hướng Bắc và hướng Nam. Việc mở rộng địa giới hành chính của thành phố đang trở nên vô cùng cấp thiết. Đây cũng là một chủ trương lớn để xây dựng, phát triển thành phố tương xứng với vị trí trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Là tiền đề để phấn đấu đến năm 2025 thành phố cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Bắc Kạn lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đồng thời, mở rộng địa giới hành chính cũng là một trong những giải pháp nhằm giúp thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TU, ngày 25/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Hoàng Hà Bắc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho hay: “Việc mở rộng địa giới hành chính được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội, động lực để thành phố Bắc Kạn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội xứng tầm là đô thị hiện đại, văn minh của tỉnh”.

Được biết, hiện thành phố đang cùng các sở, ngành liên quan xây dựng phương án điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính trình cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương để triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Hy vọng rằng, khi đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tạo ra vận hội mới cho thành phố Bắc Kạn phát triển vững chắc trong thời gian tới./.

Xem thêm