Đa dạng sắc màu các loại bánh Tết Hàn thực

Hằng năm cứ đến ngày Tết Hàn thực (tức vào ngày 03 tháng 3 âm lịch) người dân Việt Nam làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên để tỏ lòng thành kính, hướng về tổ tiên, nguồn cội và cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đặc biệt, trong dịp này người đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình.

Sét bánh trôi ngũ sắc.
Sét bánh trôi ngũ sắc.

Được biết, từ thời xa xưa, Tết Hàn thực đã trở thành phong tục tập quán của người Việt Nam. Còn đối với các dân tộc Kinh, Tày, Nùng của vùng miền núi tỉnh Bắc Kạn, cứ vào đầu tháng ba, đặc biệt là ngày 3/3 âm lịch Tết Hàn thực cũng là Tết Thanh minh của các dân tộc này còn gọi là Tết “bươn slam, so slam”. Trong các ngày Tết thì Tết Thanh minh được xem là tết lớn để con cháu họ hàng đi tảo mộ và có dịp quây quần sum họp mặt gia đình.

Tết Hàn thực được nhiều người gọi là tết bánh trôi, bánh chay. Nhưng đến nay còn có rất nhiều món bánh truyền thống được bán trên thị trường để người tiêu dùng lựa chọn. Theo thời gian những viên bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực cũng được đổi mới, sáng tạo với nhiều hình thức mới lạ, hấp dẫn, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh những viên bánh có màu trắng trong từ bột gạo theo cách làm truyền thống, người nội trợ ngày nay còn pha thêm những màu sắc từ hoa, lá, quả cây thiên nhiên vào để làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc. Những viên bánh được "khoác" lên lớp màu xanh của lá dứa,trà xanh, màu vàng của nghệ, màu đỏ của gấc, màu tím của lá cẩm… trở nên xinh xắn, bắt mắt hơn.

Chị Hoàng Thị Hương, tổ 8, phường Phùng Chí Kiên (TP.Bắc Kạn) cho biết: “Gia đình chị vào ngày này thường làm các loại bánh trôi, bánh chay ngũ sắc, tôi mua một sét khoảng 60 nghìn đồng gồm các màu và đầy đủ nguyên liệu, các con tôi rất thích nặn bánh trôi, bánh chay và tôi dạy các con các nấu chín bánh…đây cũng là để các con cháu hướng về nguồn cuội, tự tay mình làm đĩa bánh thắp hương tổ tiên nhằm lưu giữ được nét văn hóa ẩm thực nơi quê hương mình”.

Bên cạnh loại bánh truyền thống là bánh trôi, bánh chay thì đối với loại bánh trứng kiến là món ăn đặc sắc không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết của dân tộc Tày. Đặc biệt vào ngày này, gia đình người Tày nào cũng có bánh trứng kiến. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy vị trứng kiến. Khi ăn không cần bóc tách lá vả mà lá vả cũng trở thành một thứ hương vị riêng độc đáo của bánh trứng kiến. 

Bánh trứng kiến là món ăn đặc sắc không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết của dân tộc Tày.
Bánh trứng kiến là món ăn đặc sắc không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết của dân tộc Tày.

Chị Nguyễn Thị Thu Tình, trú tại tổ 5, phường Phùng Chí Kiên (TP.Bắc Kạn) cho biết: “Ông bà tổ tiên của gia đình tôi là dân tộc Kinh quê quán ở Nam Định nhưng lên khai hoang đã lâu gắn bó với mảnh đất Bắc Kạn được bốn đời con cháu. Dưới miền xuôi như chúng tôi gọi là Tết Hàn thực nhưng giờ lên Bắc Kạn sinh sống hầu hết người dân nơi đây và gia đình chúng tôi theo phong tục tập quán gọi là Tết Thanh minh. Gia đình tôi năm nào đến ngày này là sắm lễ vật để cúng tổ tiên không thể thiếu bánh trôi, bánh chay, xôi ngũ sắc và các loại bánh lá gai, bánh giầy…Để tỏ lòng thành kính dâng lên tổ tiên”.

Đối với người dân tỉnh Bắc Kạn được biết trước đây nhiều gia đình hầu hết là vào những ngày này tập trung tự làm các loại bánh truyền thống. Tuy nhiên do bận rộn công việc nên nhiều gia đình chủ yếu mua ngoài chợ. Trước và trong vào ngày Tết Thanh minh tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khắp nơi bày bán các loại bánh trôi bánh chay ngũ sắc, xôi lá cẩm ngũ sắc và đặc biệt thêm các loại bánh như: Bánh lá gai, bánh lá ngải, bánh giầy gấc, bánh chưng, bánh gio, bánh trứng kiến…phục vụ người dân các loại bánh đa dạng và rất hấp dẫn.

Bánh giầy lá ngải là đặc sản của người Tày Bắc Kạn.
Bánh giầy lá ngải là đặc sản của người Tày Bắc Kạn.

Với món bánh giầy lá ngải là đặc sản của người Tày Bắc Kạn, vào dịp Tết Thanh minh vẫn còn được nhiều gia đình lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống tự làm bánh. Chị Nguyễn Thị Thiểm, tổ 1a, phường Đức Xuân (TP.Bắc Kạn) cho biết: “Năm nào cứ đến ngày Tết Thanh minh gia đình tôi tự làm bằng giã tay bánh giầy lá ngải. Ngoài làm bánh chay, bánh trôi truyền thống,  gia đình thường tập trung con cháu để làm thêm loại bánh giầy ngải để cúng gia tiên. Đây là loại bánh dễ làm và ăn có mùi vị thơm của lá ngải, miếng bánh có sự tươi non của nếp nương, mùi hoang dã của lá rừng, mang hương vị đặc sản của người dân Bắc Kạn”.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” Tết Hàn thực hay còn gọi là Tết Thanh minh đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của người dân tộc Tày, Nùng, Kinh của vùng núi Bắc Kạn nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung./.

Bích Ngọc

Xem thêm