Cuộc sống mới ở khu tái định cư Khuổi Tẩu

Sau gần 10 năm di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao sang khu tái định cư mới, đến nay 16 hộ dân của thôn Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc (Ba Bể) đã có cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Sau gần 10 năm di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao sang khu tái định cư mới, đến nay 16 hộ dân của thôn Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc (Ba Bể) đã có cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.

sfewtweqt4
Một góc khu tái định cư Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc (Ba Bể).

Năm 2011 huyện Ba Bể quyết định di dời 16 hộ dân thuộc thôn Khuổi Tẩu ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Địa điểm nơi ở mới nằm cách không xa nơi ở cũ của người dân trong thôn. Đây là khu vực tương đối thuận lợi về giao thông đi lại. Toàn bộ khu vực tái định cư đã được Nhà nước đầu tư san ủi mặt bằng, có cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh bao gồm đường bê tông, hệ thống điện lưới, trụ nước sinh hoạt tới từng hộ.

Đây là vị trí thoáng đãng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào. Mỗi hộ dân đến nơi ở mới được cấp một nền nhà hơn 300m2 và được hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà cửa. Hầu hết thời điểm đó 16 hộ trong diện chuyển lên nơi ở mới đều thuộc diện khó khăn, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy, diện tích đất trồng lúa, ngô ít…

Anh Nông Văn Thành đã làm trưởng thôn Khuổi Tẩu hơn 20 năm nay. Chứng kiến những thay đổi của bà con trong thôn, anh cho biết: Thời điểm khi chuyển lên khu tái định cư mới, 100% các hộ đều thuộc diện hộ nghèo, vừa lo kiếm cái ăn vừa lo lắng sạt lở đất đe dọa tính mạng và nhà cửa. Quả núi phía sau khu vực bà con ở có đường nứt dài mấy trăm mét, có thể đổ sập xuống bản bất cứ lúc nào. Do vậy, khi được các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động bà con đều nhất trí chuyển lên nới ở mới hiện nay.

ểy54y
Trưởng thôn Nông Văn Thành cải tạo lại ao cá của gia đình.

Sau thời gian ổn định cuộc sống, các hộ dân đã bắt tay vào sản xuất, dựng nhà, quy hoạch lại diện tích được cấp, diện tích đất sản xuất bà con vẫn canh tác ở nơi ở cũ. Do trẻ em đi ra trường chính khá xa nên huyện Ba Bể tiếp tục đầu tư xây dựng điểm trường Khuổi Tẩu thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học Phúc Lộc. Năm 2016 điểm trường được đưa vào sử dụng, các lớp học được xây kiên cố, khang trang với các bậc mầm non và tiểu học. Từ đây 16 hộ dân ngày càng yên tâm về nơi định cư mới.

Hiện thôn Khuổi Tẩu có 50 hộ dân sinh sống, ngoài 16 hộ đã được chuyển lên khu tái định cư các hộ còn lại chủ yếu ở dọc tuyến đường 253 đi huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước về hệ thống giao thông, điện, những năm qua người dân trong thôn đã nỗ lực tập trung phát triển kinh tế. Thôn Khuổi Tẩu được biết đến bởi phong trào chăn nuôi gia súc. Có thời điểm trong thôn nuôi 2.000 con lợn, hàng trăm con trâu, bò. Bà con được giao quản lý đất rừng sản xuất với diện tích hơn 40ha, đất trồng lúa có 12ha gieo cấy được 2 vụ/năm, hơn 2ha trồng cây ăn quả. Hiện nay thôn có 10 người đi lao động trong nước và 3 người đi xuất khẩu lao động. Một số hộ trong khu tái định cư đã làm được nhà xây kiên cố.

Đồng chí Hoàng Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc cho biết: Những năm qua bà con nhân dân thôn Khuổi Tẩu luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước, trong thôn không có tệ nạn xã hội. Đảng ủy, chính quyền xã luôn quan tâm tới đời sống của bà con, mục tiêu chính là giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống của người dân thông qua các chương trình, dự án.

Dù đã có nhiều chuyển biến song Khuổi Tẩu vẫn là một trong những thôn còn nhiều khó khăn. Hiện thôn còn 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Nguyên nhân chủ yếu do người dân thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu đất sản xuất; chưa tìm được hướng phát triển kinh tế mũi nhọn phù hợp. Việc huy động nguồn lực làm công trình hạ tầng dân sinh xây dựng nông thôn mới của thôn còn khá hạn chế. Bà con tại khu tái định cư mong muốn Nhà nước giao thêm đất để xây dựng nhà cửa và sản xuất; tập huấn khoa học kỹ thuật, đưa các Chương trình, dự án khảo nghiệm giống mới nhằm tìm hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, từng bước thoát khỏi đói nghèo./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm