Cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh - tín ngưỡng dân gian riêng có của hội xuân đất Phủ

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Hoạt động tâm linh truyền thống không thể thiếu tại Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông là nghi lễ truyền thống cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh. Tín ngưỡng dân gian của người bản xứ được đưa vào phần hội với vai trò là nghi lễ quan trọng bậc nhất, mở màn cho lễ hội.
Lãnh đạo huyện Bạch Thông thắp hương tại Đền Slấn Slảnh.

Lãnh đạo huyện Bạch Thông thắp hương tại Đền Slấn Slảnh.

Hội Lồng tồng là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no cơm áo đầy đủ. Lễ hội Lồng tồng thường gồm phần lễ và phần hội. Riêng phần lễ tại Hội Lồng tồng Phủ Thông có nét khác biệt so với các địa phương khác trong tỉnh.

Tương truyền từ thời xa xưa ấy, ở vùng đất Vĩnh Thông (tức huyện Bạch Thông ngày nay) giặc phương Bắc thường xuyên quấy nhiễu, cướp bóc, bà con gọi là Slấc Nồng, tức giặc Tầu. Để trấn yên bờ cõi, triều đình đã cử một vị dũng tướng lên trấn giữ và dẹp loạn.

Trong trận quyết chiến ác liệt vào ngày 19 tháng Giêng năm xưa, khi sắp toàn thắng, vị tướng đã bị giặc sát hại, thủ cấp bị chém rơi xuống tại cánh đồng Nà Phải, từ đó Nhân dân gọi đây là ruộng Nà Mồ. Còn phần thân của vị tướng tài ba vẫn bám trên lưng ngựa chiến như có thần linh trợ giúp tiếp tục vung gươm chém giết kẻ thù khiến giặc kinh hồn bạt vía. Sau đó, thân mình của vị tướng đã ngã xuống tại Phai Luông bên bờ sông Vi Hương.

Để ghi nhớ công lao to lớn của ông, triều đình sắc phong ông là “Thánh”, đồng ý để Nhân dân lập đền thờ gọi là Đền Slấn Slảnh - tức Đền Thần Thánh.

Cũng từ khi có Đền Slấn Slảnh, cứ vào đầu xuân năm mới (ngày 20 tháng Giêng hằng năm), người dân bản địa lại tổ chức Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông để tri ân người anh hùng họ Dương, nhằm giáo dục truyền thống và kết hợp tổ chức vui xuân với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Như vậy, Đền Slấn Slảnh chính là "linh hồn" của Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông.

Lễ cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh ngày 19 tháng Giêng, trước ngày khai hội Lồng tồng Phủ Thông năm 2024.

Lễ cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh ngày 19 tháng Giêng, trước ngày khai hội Lồng tồng Phủ Thông năm 2024.

Ngày nay, Đền Slấn Slảnh đã được Nhân dân thị trấn Phủ Thông tôn tạo, tu sửa khang trang để bà con, du khách đến thắp hương, dâng lễ vật cầu sức khỏe, tài lộc… Đây cũng là địa điểm chính tổ chức phần lễ khai hội cho Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông. Năm 2023, Đền Slấn Slảnh được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Ngày 19 tháng Giêng hằng năm, Nhân dân địa phương tổ chức lễ tế, cúng giỗ người anh hùng họ Dương và các vị thần linh tại Đền Slấn Slảnh; ngày 20 tháng Giêng, địa phương tổ chức Hội Lồng tồng truyền thống Phủ Thông. Trước giờ khai hội, bà con sẽ dâng hương và rước lễ từ Đền Slấn Slảnh về khu vực tổ chức lễ hội. Phần lễ mang đậm dấu ấn tâm linh, với những yếu tố “thiêng” trong đời sống văn hoá của cư dân đất Phủ.

Năm nay, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông được tổ chức trong 03 ngày (từ 18 đến 20 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Chiều 19 tháng Giêng, Ban Tổ chức lễ hội, đại biểu cùng Nhân dân các tổ phố trên địa bàn thị trấn Phủ Thông đã đến cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh, cầu phúc, cầu an. Mâm cỗ dâng cúng thần linh gồm: Xôi, gà, bánh chưng, bánh giầy, bánh kẹo..., tuy giản dị nhưng chứa đựng tấm lòng thành kính của bà con nhân dân trên địa bàn.

Cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh trước ngày khai mạc Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông.

Cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh trước ngày khai mạc Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông.

Sáng 20 tháng Giêng, các nam thanh, nữ tú được lựa chọn đội mâm lễ cùng Nhân dân địa phương và các vị đại biểu tổ chức rước lễ từ Đền Slấn Slảnh ra khu vực tổ chức lễ hội là cánh đồng Nà Liền Mạ, thị trấn Phủ Thông. Đây là hoạt động tâm linh mở màn cho chuỗi hoạt động của phần lễ và phần hội trong khuôn khổ Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông năm 2024.

Các vị đại biểu thành kính dâng lễ, thắp hương tại Đền Slấn Slảnh.

Các vị đại biểu thành kính dâng lễ, thắp hương tại Đền Slấn Slảnh.

Nghi lễ cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh trong dịp Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông chính là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân của Nhân dân các dân tộc trong huyện đối với sự hy sinh anh dũng của vị tướng triều đình và các bậc tiền nhân, nghĩa sĩ đã xả thân dẹp giặc để bảo vệ cuộc sống yên bình. Lễ hội cũng mang theo ước nguyện cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, kinh doanh phát triển, người người, nhà nhà bình an, ấm no hạnh phúc./.

Xem thêm