Ở thời kỳ nào đất nước cũng luôn rất cần nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ có trình độ, học vấn cao. Tuy nhiên số lượng sinh viên ra trường có bằng đại học, cao học không xin được việc làm ngày càng tăng.
![]() |
Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học đang ngày càng khó xin được việc làm (ảnh minh hoạ) |
Khó xin việc vào các cơ quan nhà nước
Câu chuyện sinh viên ra trường đi xin việc vẫn là đề tài muôn thuở của nhiều năm trước đây và tình trạng ấy đến tận bây giờ vẫn là bài toán nan giải của các ngành, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo trung bình hằng năm số lượng các sinh viên thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học khoảng hơn một nghìn người. Riêng toàn tỉnh trong năm 2013 số học sinh trúng tuyển vào cao đẳng, đại học là 1.724, trong đó đại học hơn 600 người.
Những năm gần đây các trường đại học, cao đẳng trong cả nước mọc lên như nấm, nên tình trạng tuyển sinh ồ ạt diễn ra ở hầu hết các trường. Số lượng sinh viên tăng một cách chóng mặt, dẫn đến một loạt các vấn đề bất cập như cơ sở vật chất, số lượng giảng viên không đủ đáp ứng cho nhu cầu giảng dạy, chất lượng giáo dục càng thấp… Kéo theo một hệ lụy đáng buồn là tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ngày càng đông.
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm chuyên ngành tâm lý giáo dục năm 2012, em Nguyễn Thiều Hoa tâm sự: Từ lúc ra trường phấn khởi cầm tấm bằng khá trong tay em cảm thấy rất tự tin đi nộp hồ sơ vào Trường Chính trị tỉnh, Tỉnh đoàn Bắc Kạn…nhưng cuối cùng càng hy vọng bao nhiêu em lại chán nản bấy nhiêu khi thông báo bị loại. Được gia đình động viên em lại tiếp tục nộp hồ sơ vào một số trường, nhưng do chỉ tiêu thì quá ít còn số hồ sơ đăng ký xét tuyển quá nhiều em đều bị loại. Thất vọng cầm tấm bằng ra về em quyết định bước sang lĩnh vực kinh doanh cùng gia đình. Mặc dù em vẫn mong muốn được đi làm nhà nước thế nhưng ngành nghề em học chưa được sử dụng nhiều tại địa phương, nên em cũng chấp nhận chờ đợi nếu có cơ hội đến với mình.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Thái Nguyên chuyên ngành y sĩ năm 2013, em Phạm Thu Hoài cũng đang phải đi làm hợp đồng tại siêu thị Lan Kim với mức lương hàng tháng hơn 2 triệu đồng. Em chia sẻ: Hiện nay em đã làm tại siêu thị này được gần 1 năm rồi, em đã từng nộp hồ sơ vào các trung tâm y tế huyện, thế nhưng đều bị loại cũng do có quá nhiều hồ sơ tham gia. Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn không thể ngồi nhà chờ việc nên em phải tìm cho mình một công việc để trang trải cuộc sống hàng ngày. Không học kinh doanh nhưng giờ em lại là nhân viên bán hàng thành thạo. Không như năm ngoái em tham gia phỏng vấn còn rụt rè, có thể qua trải nghiệm cuộc sống em thấy mình sẽ có thêm kinh nghiệm mạnh dạn hơn để bước vào những cuộc tuyển dụng tiếp theo.
Hiện nay, ai cũng biết lượng người học đại học và có tấm bằng cử nhân là vô số, chính vì thế một số nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên những sinh viên có từ 2 bằng đại học trở lên. Đây cũng là lý do khiến một số sinh viên bị gặp chướng ngại vật, đồng thời kinh nghiệm còn non nớt khi môi trường đào tạo nhà trường khác hơn so với yêu cầu thực tiễn của công việc. Chính vì vậy nhiều sinh viên nhìn bảng điểm học rất khá nhưng khi phỏng vấn đã rơi vào tình trạng thiếu hiểu biết, không có vốn kiến thức thực tế, nên đã dẫn đến bị loại khi tham gia tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước.
Tình trạng sinh viên ra trường không xin được việc đối với tỉnh ta đang là vấn đề hết sức nan giải. Chỉ tính riêng trên địa bàn toàn tỉnh có 02 trường chuyên nghiệp là Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn và Trường Trung cấp Y Bắc Kạn, trung bình hằng năm số sinh viên của trường Trung cấp Y ra trường hơn 200 sinh viên, Cao đẳng Cộng đồng gần 400 sinh viên…Theo thống kê của các nhà trường tỷ lệ sinh viên ra trường xin được việc là rất ít, đạt khoảng 25-30%. Còn chưa kể đến số sinh viên của tỉnh học tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc ra trường chưa có việc làm còn rất nhiều. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm 2013 số người thất nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp đến đại học khoảng gần 600 người.
Sinh viên hướng đến các doanh nghiệp
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh hàng trăm doanh nghiệp hoạt động đủ các ngành nghề, đây cũng là cơ hội để các sinh viên mới ra trường tìm được công việc phù hợp. Với mức lương và công việc khá ổn định, Em Trịnh Thị Hà- Nhân viên siêu thị Mart Bắc Kạn tâm sự: Tốt nghiệp Đại học tài chính kế toán hơn 3 năm rồi, em đã từng nộp rất nhiều lần hồ sơ tại các huyện, thị xã, một số cơ quan có nhu cầu tuyển dụng, nhưng cũng do số lượng người dự thi quá đông, trông khi mỗi ngành chỉ lấy 1 hoặc 2 người, tỷ lệ trúng tuyển rất ít nên em quyết định tự tìm đến các doanh nghiệp xin việc để đảm bảo nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Nếu có cơ hội em sẽ vẫn tiếp tục nộp hồ sơ tham gia tại các đợt tuyển dụng của tỉnh.
Qua tìm hiểu cho thấy khá nhiều sinh viên của tỉnh sau tốt nghiệp đại học đã bám trụ lại các thành phố lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...Cũng như một số sinh viên khác mới tốt nghiệp em Nguyễn Thị Hương, trú tại Phường Minh Khai (TXBK) cho biết: tốt nghiệp Đại học tài chính kế toán được gần 2 năm, nhiều lần nộp hồ sơ tham gia tuyển dụng tại các cơ quan nhà nước, nhưng do nhiều yếu tố khách quan cộng với số lượng sinh viên học ngành này quá nhiều, biết khó có thể xin được vào biên chế, chính vì vậy em đã tìm đến khu công nghiệp tại thành phố Bắc Ninh làm kế toán cho một doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo cuộc sống của mình.
Lãng phí nguồn tri thức trẻ đang là mối lo của toàn xã hội, Đảng và Nhà nước đã và đang đề ra nhiều giải pháp góp phần làm giảm tình trạng thất nghiệp như tạo thêm nhiều việc làm tại các doanh nghiệp, cải cách giáo dục. Song các bạn sinh viên đã và đang ngồi trên ghế nhà trường cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng mềm cần thiết để có thể đáp ứng cao yêu cầu của các nhà tuyển dụng, tìm kiếm được việc làm phù hợp.../.
(Còn nữa)
Bích Ngọc