Cơ hội để trám đen Bắc Kạn trở thành hàng hóa đặc trưng

Sau 3 năm triển khai, Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây trám tại xã Nông Thượng và xã Dương Quang” do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) chủ trì thực hiện đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Quả trám nếp đen đang đứng trước cơ hội được chế biến sâu, trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Được người dân chăm sóc đúng kỹ thuật, cây trám nếp đen của Dự án sinh trưởng và phát triển tốt.
Được người dân chăm sóc đúng kỹ thuật, cây trám nếp đen của Dự án sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo đánh giá của Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản, quả trám đen trồng tại Bắc Kạn giàu hàm lượng protein và một số vitamin thiết yếu. Trước đây, người dân một số xã, phường trên địa bàn thành phố như Xuất Hóa, Nông Thượng, Dương Quang đã trồng loại trám này, cho thu hoạch quả và tiêu thụ thuận lợi, được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, diện tích cây trám của địa phương còn manh mún, chưa được chế biến sâu thành các sản phẩm phong phú.

Trước thực tế này, từ tháng 11/2019, thành phố Bắc Kạn đã triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây trám; chủ đầu tư là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, đơn vị chủ trì thực hiện là HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng. Kinh phí thực hiện Dự án là hơn 885 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, phần còn lại là vốn đối ứng của HTX và các hộ dân. Mục tiêu Dự án đề ra là tạo vùng nguyên liệu trám an toàn rộng 29ha, phủ xanh đất trống, bảo vệ môi trường. Qua đó chế biến ra các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của thành phố và của tỉnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân, nâng cao chất lượng nông thôn mới trên địa bàn.

Trong 3 năm thực hiện dự án, HTX Nông nghiệp Tân Thành đã phối hợp khảo sát, lựa chọn ký hợp đồng liên kết với 13 hộ dân có điều kiện về diện tích, nhân công, khả năng đầu tư. Trong đó, xã Nông Thượng có 09 hộ với diện tích 24,9ha; xã Dương Quang có 04 hộ với diện tích 4,1ha. Các hộ dân được thành phố tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trám nếp đen và cấp phát gần 12.900 cây giống, 1.800kg phân bón NPK.

Trung tuần tháng 11/2022, đơn vị chủ trì và chủ đầu tư đã phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết dự án. Đại biểu và các hộ dân đều đánh giá cây trám ghép phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường, hứa hẹn đem lại thu nhập cao cho bà con. Tỷ lệ cây sống đạt khoảng 80%, cây sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, không bị sâu bệnh hại. Hiện các hộ dân ngắt hoa để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Dự kiến năm thứ tư cây sẽ cho thu hoạch quả bói. Năm thứ năm sẽ cho thu hoạch đại trà, năng suất vùng nguyên liệu trám ước đạt 3,5 tấn/ha, sản lượng 101,5 tấn/năm, giá trị kinh tế 150 triệu đồng/ha.

Khi thu hoạch đại trà, như hợp đồng liên kết đã ký, HTX Nông nghiệp Tân Thành sẽ mua trám theo giá thị trường cho các hộ dân. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX cho biết: “Đây là dự án đầu tiên HTX được tiếp cận và trực tiếp tổ chức thực hiện dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Quả trám sau khi thu hoạch về, HTX sẽ chế biến thành những sản phẩm như: Trám nếp đen tươi, trám nếp đen sấy khô, bột trám nếp đen... có đầy đủ tem, nhãn mác, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm và xuất bán ra thị trường”.

Từ những triển vọng bước đầu cho thấy, cây trám đen có thể trở thành đặc sản mũi nhọn giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân thành phố Bắc Kạn. Đây còn là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã trồng trọt trên địa bàn. Do là cây lâu năm nên các hộ liên kết trồng trám theo dự án cần tiếp tục duy trì, đầu tư phát triển chăm sóc, bảo vệ cây theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm hạn chế sâu bệnh, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế gia đình./.

Đăng Bách

Xem thêm