Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổng kết hoạt động năm 2023

Chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiều 28/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Phiên họp lần thứ 7 nhằm Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Chủ trì điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn; cơ quan thường trực BCĐ (Sở Thông tin và Truyền thông) cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan thành viên BCĐ chuyển đổi số tỉnh.

Tại phiên họp, các đại biểu nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo, định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 và Hướng dẫn phổ cập hạ tầng số, chữ ký số và hợp đồng điện tử.

Báo cáo cho thấy, chuyển đổi số quốc gia năm 2023 được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước đã được xây dựng, tạo nền móng cho việc phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Đại biểu nghe các đơn vị, doanh nghiệp và ngành chuyên môn tham luận về kinh nghiệm và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Đại biểu nghe các đơn vị, doanh nghiệp và ngành chuyên môn tham luận về kinh nghiệm và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VneID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế. Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 03 doanh nghiệp viễn thông; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2,5 nghìn tỷ đồng. Dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, giúp từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng…

Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất với Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ đề để định hướng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã phát biểu về kinh nghiệm triển khai một số phần việc, nhiệm vụ chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực…

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác chuyển đổi số. Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế trong chuyển đổi số như: Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm; chất lượng dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao… Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, người đứng đầu các cấp phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo và triển khai chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương; chỉ đạo một số nhiệm vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số năm 2024 sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả quan trọng, góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.

Xem thêm