Chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả của hệ thống truyền thanh

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Truyền thanh thông minh là một trong các thành tố của quá trình chuyển đổi số, từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả trong công tác tuyên truyền...
  1. Chị Lý Thị Liên, cán bộ phụ trách truyền thanh xã Kim Lư, huyện Na Rì cài đặt chương trình phát thanh của đài truyền thanh xã trên máy tính,

    Chị Lý Thị Liên, cán bộ phụ trách truyền thanh xã Kim Lư, huyện Na Rì cài đặt chương trình phát thanh của đài truyền thanh xã trên máy tính,

Chỉ cần 1 chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet là chị Lý Thị Liên, cán bộ phụ trách truyền thanh xã Kim Lư, huyện Na Rì có thể cài đặt lịch phát tự động cho 03 cụm truyền thanh tại các điểm trung tâm UBND, thôn Khum Mằn và thôn Bản Cháng. Dù ở bất cứ vị trí nào, chỉ với vài thao tác đơn giản, chị đều có thể thực hiện công việc này.

Chị Liên cho biết: "Từ năm 2022, xã Kim Lư được đầu tư lắp đặt 03 cụm truyền thanh thông minh, bao gồm 01 máy tính để bàn, 03 cụm loa, bộ thu. Sau khi khảo sát, xã cho đặt ở trung tâm UBND xã và hai thôn ở xa nhất, còn các thôn khác vẫn hoạt động truyền thanh theo hình thức cũ. Sau một thời gian sử dụng song song, tôi thấy truyền thanh thông minh có nhiều ưu điểm vượt trội. Không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển vận hành thiết bị. Hơn thế, chất lượng âm thanh trong trẻo rõ ràng, không nhại tiếng, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng nhờ thiết bị sử dụng công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói nền tảng trí tuệ nhân tạo. Qua đó giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành đài".

Hiện nay, 132 cụm loa truyền thanh thông minh thuộc các xã, thị trấn của huyện Na Rì đã đi vào hoạt động. Theo anh Lương Thanh Luyện, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện: Từ khi triển khai đến nay, truyền thanh thông minh nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các cán bộ phụ trách truyền thanh và người dân địa phương. Chất lượng âm thanh tốt, việc tự chọn, tự điều chỉnh chế độ phát, chuyển đổi văn bản thành giọng nói cũng góp phần tạo thuận lợi và truyền tải thông tin nhanh chóng hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền".

Dự án hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 phê duyệt tại Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 14/7/2021. Dự án có tổng kinh phí hơn 23,7 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương, thời gian trong năm 2021 và 2022. Quy mô là đầu tư mới, nâng cấp chuyển đổi cho 93 đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn 08 huyện, thành phố sang đài ứng dụng CNTT-VT.

Sau gần 02 năm triển khai thực hiện, Dự án hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở đã hoàn thành các nội dung nhiệm vụ theo quy mô đã được phê duyệt. Hệ thống loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT với 687 cụm loa được lắp đặt tại 93 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, bước đầu đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền tại địa phương.

Chất lượng âm thanh tại các cụm loa tốt, rõ ràng và đặc biệt không bị chèn sóng; không bị giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; giảm nguồn nhân lực, ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo chuyển thể từ văn bản sang giọng nói; công tác triển khai lắp đặt dễ dàng hơn so với hệ thống truyền thanh FM và truyền thanh có dây trước đây. Chỉ cần máy tính có kết nối Internet và 01 tài khoản đã được cấp sẵn là có thể vận hành hệ thống ngay trên phần mềm phát trực tiếp các bản tin, hay thông báo đột xuất qua micro cho toàn bộ hoặc từng cụm loa riêng biệt. Đồng thời, giám sát trạng thái hoạt động của từng chiếc loa, cụm loa, điều chỉnh âm lượng và nhận lệnh tạm dừng khi đang phát nội dung bất kỳ ngay trên phần mềm.

Việc triển khai xây dựng Dự án hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang là nhiệm vụ chuyển đổi số hiệu quả trong hoạt động thông tin cơ sở, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia/.

Xem thêm