Chuyển đổi số làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Với định hướng lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, Bắc Kạn đang hướng tới “vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” thông qua phổ biến, ứng dụng các dịch vụ số, nền tảng số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, sử dụng sàn thương mại điện tử...
Tỉnh Bắc Kạn tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp chuyên cung ứng phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin để phục vụ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Kạn tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp chuyên cung ứng phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin để phục vụ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được chuẩn hóa và cài đặt kết nối đến hệ thống giám sát của Cục Bưu điện Trung ương theo quy định; 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh có mạng internet và hệ thống mạng nội bộ. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu sử dụng của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh. Các huyện, thành phố, sở, ban, ngành tích cực đề xuất, sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.

“Hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn” trên ứng dụng Zalo với các mục thông tin hữu ích liên kết với Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công tỉnh tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nhất là trong việc tìm hiểu, đăng ký hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, thông tin về TTHC…

Hệ thống thông tin một cửa và Cổng dịch vụ công tỉnh tích hợp với Hệ thống thanh toán trực tuyến PayGov (Bộ Thông tin và Truyền thông) và ứng dụng Zalo, góp phần đẩy mạnh thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi thực hiện các dịch vụ công.

Cán bộ Agribank Bắc Kạn hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch tại máy gửi, rút tiền tự động (CDM).

Cán bộ Agribank Bắc Kạn hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch tại máy gửi, rút tiền tự động (CDM).

Hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động sử dụng phần mềm để quản lý hàng hóa, xây dựng website riêng để giới thiệu, kinh doanh các mặt hàng; ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội để tiếp thị, bán hàng; thực hiện livestream để bán sản phẩm nông sản; kết nối với các hệ thống ngân hàng để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Sàn thương mại điện tử Backanmarket, trở thành điểm sáng về “kinh tế số” và là kênh quảng bá, mua bán, dịch vụ trực tuyến đối với 176 sản phẩm OCOP và nông sản của tỉnh. Ngoài ra, 104 sản phẩm OCOP, nông sản hàng hóa của tỉnh được đưa lên sàn Postmart.vn… Qua đó giúp các doanh nghiệp, người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Các đơn vị quản lý, ngành chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân đang là bước cải cách đột phá về TTHC, tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã triển khai thanh toán viện phí bằng mã QR; thanh toán bằng phương thức POS có tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) để tự động “gạch nợ” trực tiếp các hóa đơn viện phí phát sinh theo mã số bệnh nhân; thanh toán viện phí trên App của các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại triển khai đồng bộ, phát triển các sản phẩm thanh toán mới với công nghệ ngân hàng số, công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (eKYC như: Xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc. Đến nay đã có 158.561 tài khoản; 178.120 thẻ thanh toán được mở tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, giá trị giao dịch thanh toán qua tài khoản đạt 12.482 tỷ đồng.

Công tác tập huấn công nghệ số, phổ cập kỹ năng số cộng đồng được quan tâm. 108/108 xã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 998 thành viên; 1.198/1.292 thôn, tổ thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.044 thành viên. Nhờ đó, việc đưa các nền tảng số, công nghệ số đến người dân nhanh và thường xuyên hơn. Thông tin đến với người dân ngày càng kịp thời hơn khi các thôn, bản, tổ dân phố duy trì các nhóm Zalo để kịp thời thông tin văn bản mới, các hoạt động của tổ, thôn bản. Các cấp, ngành linh hoạt trong chỉ đạo các Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, thôn; tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân chủ động, tích cực nâng cao các kỹ năng ứng dụng công nghệ số, nâng cao nhận thức, sử dụng các dịch vụ về công nghệ số.

Hướng tới mục tiêu “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Bắc Kạn tiếp tục chọn cách làm mới, tạo khí thế chuyển đổi số lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn./.

Anh Thúy

Xem thêm