Chuyển biến trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Na Rì

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, huyện Na Rì đã thực hiện xây dựng ngành nông nghiệp phù hợp, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa của địa phương.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, huyện Na Rì đã thực hiện xây dựng ngành nông nghiệp phù hợp, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa của địa phương.

Kế hoạch sát thực tiễn


Năm 2017, UBND huyện Na Rì ban hành Đề án triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" giai đoạn 2017-2020 theo tinh thần Quyết định 899/QĐ-TTg của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện theo từng lĩnh vực, phát huy lợi thế của địa phương, từng tiểu ngành trong hệ thống nông nghiệp, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng phấn đấu đạt 9.600ha/năm; cây lương thực duy trì diện tích 6.700ha/năm, tổng sản lượng lương thực đạt 32.000 tấn/năm, lương thực bình quân đạt 780kg/người/năm; tốc độ tăng thu nhập trên một héc-ta đất trồng trọt phấn đấu đạt trên 3%/năm...

Trong chăn nuôi, huyện phấn đấu tổng đàn đại gia súc đạt 12.000 con; có 4 trang trại và trên 100 gia trại; 260ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng đạt trên 460 tấn; duy trì ổn định 500ha diện tích trồng dong riềng áp dụng rộng rãi kỹ thuật trồng lên luống cao nhằm tăng năng suất, chất lượng củ; mở rộng diện tích 20ha cây công nghiệp ngắn ngày (cây thuốc lá) gắn với bao tiêu sản phẩm; ít nhất 10 hợp tác xã về lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp; tiếp tục quy hoạch vùng trồng cây ăn quả và một số loại cây trồng giá trị kinh tế cao; mỗi xã quy hoạch một diện tích nhất định và tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh...

Với những mục tiêu được xác định cụ thể, thời gian qua, huyện Na Rì đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân trên toàn huyện nắm rõ chủ trương để thực hiện có hiệu quả Đề án. Tăng cường mở rộng đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, xã, thống nhất quan điểm chỉ đạo tổ chức hành động đến từng thôn, bản, hộ dân, góp phần làm chuyển biến kinh tế nông thôn miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Những chuyển biến tích cực

Với việc nỗ lực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Nghị quyết Đảng bộ huyện, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2017, tổng diện tích gieo trồng của Na Rì thực hiện được trên 9.812ha, đạt hơn 102% kế hoạch, tăng 368ha so với năm trước; hệ số sử dụng đất ruộng cả năm đạt 1,89 lần, tăng 0,66 lần so với năm trước; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 33.900 tấn, đạt 104% kế hoạch và tăng 682,48 tấn. Ngoài cây lương thực có hạt, các loại cây có củ như: Dong riềng, khoai môn, sắn, khoai lang, khoai tây được người nông dân chú trọng, một số loại cây có củ được huyện giao năm sau tăng so với năm trước.

Phát triển chăn nuôi gia súc người dân chú trọng chuyển sang hướng tích cực trồng cỏ nuôi bán chăn thả, nhằm giảm thời gian nuôi và nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế
Người dân chú trọng trồng cỏ để nuôi gia súc theo phương thức bán chăn thả, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Dong riềng là một trong những cây trồng chủ đạo của Na Rì. Năm 2017, toàn huyện trồng được trên 454ha dong riềng, tăng 178,6ha, năng suất đạt trên 720 tạ/ha, sản lượng đạt trên 33.000 tấn. Diện tích đất canh tác đạt giá trị 100 triệu đồng/ha trên đất ruộng, soi bãi thực hiện đạt cao hơn năm trước 104,6ha. Năm 2018, huyện trồng được hơn 500ha, đạt trên 113% kế hoạch. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao thực hiện được trên 154ha, đạt 211% kế hoạch... Duy trì ổn định tổng đàn đại gia súc, bằng những phương thức chăn thả tự nhiên và nuôi bán chăn thả. Tính đến tháng 6/2018, toàn huyện duy trì ổn định tổng đàn trâu, bò, dê, ngựa trên 16.800 con.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thu được kết quả tích cực, góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương hướng tới mục tiêu chất lượng, bền vững. Trong những năm tiếp theo, huyện Na Rì xác định tiếp tục chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các xã thực hiện tốt việc quy hoạch phát triển sản xuất, lựa chọn sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, có lợi thế ưu tiên chỉ đạo phát triển; huyện tiếp tục căn cứ chính sách của cấp trên vận động, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng; chỉ đạo phát triển các loại hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp... phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của cấp trên và của huyện đề ra./.

Tùng Vân

Xem thêm