Sau 03 năm đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Đảng bộ tỉnh, sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã có bước phát triển nhanh, đạt nhiều kết quả tích cực.
![]() |
Đóng gói tinh bột nghệ tại HTX nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn). |
Triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất hàng hóa nông - lâm nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết, quyết định, đề án phát triển nông - lâm nghiệp, nông thôn vào cuộc sống.
Các địa phương cũng tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong việc thực hiện đề án, chương trình, mô hình liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả, một số cây trồng thế mạnh của địa phương như lúa chất lượng cao, dong riềng, thuốc lá, chè, bún khô, phở khô, tinh dầu, tinh bột nghệ… đã được nâng cao năng suất, chất lượng. Một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng tiêu thị sản phẩm, tạo được thương hiệu trên thị trường.
Đối với sản xuất lúa chất lượng cao, năm 2016, toàn tỉnh có 3.000ha trồng lúa chất lượng, có giá trị kinh tế, chủ yếu là lúa Bao thai Chợ Đồn, Khẩu nua lếch. Đến năm 2018 diện tích trồng lúa chất lượng đã tăng lên 3.500ha, đạt 350% mục tiêu Đề án. Trong đó, gạo Bao thai và Khẩu nua lếch đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, bước đầu thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất theo hợp tác xã.
Diện tích trồng dong riềng của tỉnh tăng dần qua các năm (năm 2016 có 568ha, đến năm 2018 tăng lên 1.040ha, đạt 69% mục tiêu Đề án). Một số doanh nghiệp đã thực hiện hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Sản phẩm của một số cơ sở sản xuất đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, có mặt tại một số hệ thống siêu thị, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng.
Trong phát triển cây ăn quả, năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 3.156ha cây cam, quýt, tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 2.100ha, sản lượng bình quân đạt 15.143 tấn/năm. Các địa phương đang tập trung thâm canh, cải tạo, trồng bổ sung nhằm tăng năng suất đối với 1.250ha cam, quýt, đạt 83,3% mục tiêu. Hiện có 88,8ha cam, quýt được cải tạo, thâm canh chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc VietGap. Diện tích, sản lượng cam, quýt được tăng dần qua các năm, mang lại nguồn thu ổn định cho người trồng.
Cây hồng không hạt cũng được chú trọng phát triển. Đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 677ha, tập trung tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 395ha, sản lượng bình quân đạt 1.588 tấn/năm. Các địa phương đã thực hiện thâm canh, tăng năng suất đối với 190ha hồng không hạt. Hiện có 63ha hồng không hạt được cải tạo, thâm canh chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc VietGAP đạt 126% chỉ tiêu.
Đối với cây chè, từ năm 2016 trở lại đây, cây chè được quan tâm chỉ đạo nên diện tích trồng bổ sung, thâm canh tăng lên đáng kể. Đã cải tạo, trồng bổ sung hoặc thay thế được 453ha chè già cỗi tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới. Năm 2018, huyện Ba Bể thực hiện 01 mô hình cải tạo trồng mới, thay thế chè già cỗi với quy mô 10,2ha. Hiện nay, số diện tích chè đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP và chè hữu cơ là 103,7ha, vượt chỉ tiêu đề ra.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000ha trồng rau hàng năm, sản lượng bình quân 24.500 tấn/năm. Trong 3 năm trở lại đây, người dân đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để trồng rau an toàn, bước đầu đem lại hiệu quả. Tại các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Bạch Thông, hiện có trên 250ha rau, củ, quả sản xuất theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có 67ha rau, quả trồng thâm canh tăng năng suất; có 21,4ha được chứng nhận đảm bảo VSATTP.
Ngoài các sản phẩm trên, việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loài cây có giá trị cao hơn như mận chín sớm đạt 566ha, nghệ 118ha… Trong đó sản xuất theo hình thức liên kết có bao tiêu sản phẩm và đạt tiêu chuẩn hữu cơ đạt 106ha.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu Đề án đạt kết quả thấp và có nguy cơ không đạt được mục tiêu đề ra khi kết thúc Đề án (như diện tích dong riềng, diện tích thâm canh cây ăn quả, mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao...); một số chỉ tiêu đã đạt được có nguy cơ không thể duy trì.
Nguyên nhân được đánh giá là do sự tác động và ảnh hưởng tình hình kinh tế chung của thị trường như: Giá cả nguyên vật liệu đầu vào, giá hàng hóa nông sản chưa ổn định; môi trường cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ngày càng gay gắt, khó khăn về thị trường. Việc chỉ đạo tổ chức thực hiện tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ, chưa có giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; nguồn kinh phí hạn hẹp so với nhu cầu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đại bộ phận nông dân chưa thực sự đầu tư vào sản xuất trồng trọt. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản còn thấp, sản xuất chưa gắn với với nhu cầu tiêu dùng của thị trường... Những hạn chế trên đã được ngành nông nghiệp nhìn nhận và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới./.
Phan Quý