Chủ động, linh hoạt trong xây dựng nông thôn mới

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2022 theo kế hoạch, UBND tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp.

Lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ xây dựng NTM ở Pác Nặm.
Lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ xây dựng NTM ở Pác Nặm.

Xuất phát điểm thấp nên trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép với những chương trình, dự án khác để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho Chương trình MTQG xây dựng NTM tại các địa phương; đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các xã phát huy nguồn lực tổng hợp; chỉ đạo rà soát, chọn lọc các công trình thật sự cần thiết để đầu tư và đầu tư theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình cụ thể.

Quá trình thực hiện, cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM được đẩy mạnh. Các cấp, ngành, địa phương đã đa dạng hóa công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình, tích cực hưởng ứng bằng nhiều hình thức như: Đóng góp kinh phí, ủng hộ ngày công lao động, hiến đất… Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã huy động được hơn 13.000 tỷ đồng để thực hiện, bao gồm ngân sách Trung ương, địa phương, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác và đóng góp của Nhân dân.

Phong trào hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng công trình công cộng lan rộng khắp các địa phương. Tại xã Quang Thuận (Bạch Thông), tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM nâng cao là hơn 3,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng, người dân đóng góp hơn 800 triệu đồng. Ngoài ra, người dân địa phương còn đóng góp hơn 1.000 ngày công lao động và hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn. Bí thư Đảng ủy xã Quang Thuận, đồng chí Lâm Ngọc Quyến cho biết: Xác định người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao nên cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung công tác tuyên truyền. Các khoản đóng góp được đưa ra bàn bạc, thống nhất theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai, người dân trực tiếp làm và kiểm tra, giám sát nên tạo sự đồng thuận cao. Khi người dân hiểu và đồng tình ủng hộ sẽ tạo sức mạnh to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại Quang Thuận.

Hay như tại TP. Bắc Kạn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, quá trình triển khai xây dựng NTM, Nhân dân trên địa bàn đã tự nguyện đóng góp tiền mặt, ngày công và hiến đất để xây dựng đường giao thông, nhà văn hoá thôn và các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh. Tổng nguồn huy động từ Nhân dân đạt trên 7,6 tỷ đồng, chiếm 6,68% tổng nguồn lực xây dựng NTM của thành phố. Ghi nhận nỗ lực và kết quả đạt được của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận TP. Bắc Kạn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Theo lãnh đạo UBND thành phố Bắc Kạn, kết quả đạt được có sự đóng góp rất lớn và quan trọng của Nhân dân. Hầu như các nhà họp thôn trên địa bàn được xây dựng đều có nguồn xã hội hóa; hay khi thực hiện các tuyến đường giao thông, phần lớn người dân đều đồng thuận hiến đất giải phóng mặt bằng... là minh chứng cụ thể.

Nhờ huy động tốt các nguồn lực, Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, tỉnh đang thẩm định để công nhận 6 xã đạt chuẩn NTM năm 2021, lũy kế có 21 xã đạt chuẩn; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 29 thôn đạt chuẩn thôn NTM. Tính đến nay, các huyện, thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng NTM.

 Đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, kiến thức kỹ thuật góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Một hộ dân ở thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng (Ngân Sơn) thu nhập ổn định từ nuôi ngựa.
Đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, kiến thức kỹ thuật góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Một hộ dân ở thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng (Ngân Sơn) thu nhập ổn định từ nuôi ngựa.

Ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Theo kế hoạch, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu năm 2022 số xã đạt chuẩn NTM tăng thêm 9 xã, bao gồm 8 xã trong lộ trình về đích NTM năm 2022: Bằng Vân (Ngân Sơn); Côn Minh, Trần Phú (Na Rì); Nông Hạ (Chợ Mới); Mỹ Phương (Ba Bể); Tân Tú (Bạch Thông); Ngọc Phái, Quảng Bạch (Chợ Đồn) và Bộc Bố (Pác Nặm). Phấn đấu tăng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 60 thôn đạt chuẩn thôn NTM.

Để bảo đảm thực hiện đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã bố trí 500 triệu đồng/xã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 8 xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn năm 2022 từ nguồn ngân sách địa phương. UBND các huyện và các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí NTM theo quy định.

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022 tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc phấn đấu hoàn thành mục tiêu theo Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 25/02/2022 của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung chỉ đạo sản xuất nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn vốn được giao. Chủ động xây dựng dự án hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và dự toán kinh phí thực hiện cùng kỳ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách hằng năm. Tập trung chỉ đạo để hoàn thành các tiêu chí về giảm nghèo, thu nhập và môi trường. Đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thiếu nhiều tiêu chí, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, xã cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm cao nhất; đẩy mạnh sản xuất để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững… phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra./.

H.V

Xem thêm