Chọi bò - nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Lên vùng cao Pác Nặm, hòa vào không khí nô nức trẩy hội đầu năm, du khách thập phương lại háo hức đón chờ những trận đấu của các "đấu sĩ" bò trong Lễ hội Mù Là được tổ chức trên đỉnh đèo Ngảm Váng thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh.
Đông đảo du khách theo dõi chọi bò tại khu vực tổ chức Lễ hội Mù Là.

Đông đảo du khách theo dõi chọi bò tại khu vực tổ chức Lễ hội Mù Là.

Chọi bò đã trở thành một phần văn hóa tinh thần đặc sắc ở Pác Nặm. Đối với đồng bào Mông, bò chọi được xem như là biểu tượng của sức mạnh. Ở đâu có đồng bào Mông sinh sống, ở đó có hội chọi bò, thường được tổ chức vào mỗi dịp lễ, Tết. Những cuộc chọi bò mang đến sự háo hức, hồi hộp, phấn khích cho du khách và đồng bào các dân tộc nơi đây. Ngay từ sáng sớm, mọi người đã tụ tập đông đủ với trang phục màu sắc rực rỡ đổ về khu vực chọi bò.

Trời vẫn còn mờ sương nhưng anh Sùng Văn Sự ở thôn Nặm Cáp, xã Công Bằng đã dắt theo chú bò to khỏe nhất lên khu vực tổ chức Lễ hội Mù Là để tham gia hội thi chọi bò. Anh Sự vui vẻ cho biết: Hội thi chọi bò được tổ chức trong niềm mong đợi của người dân và người chăn nuôi bò chúng tôi. Năm nào có lễ hội tôi cũng dắt bò sang đây giao đấu. Hội được tổ chức theo thể thức thi đấu từng vòng, con nào thắng trong các cuộc đấu sẽ được chọn vào chọi ở vòng tiếp theo, cuối cùng là trận chung kết để chọn ra nhà vô địch. Trong một trận đấu, giá trị con bò thắng cuộc cũng sẽ được tăng lên.

Con bò của anh Lý Văn Thành, thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh được chăm sóc kỹ lưỡng trước khi mang đi thi đấu.

Con bò của anh Lý Văn Thành, thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh được chăm sóc kỹ lưỡng trước khi mang đi thi đấu.

Anh Lý Văn Thành, thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh chia sẻ: Người Mông rất quý bò chọi, chuồng bò phải được làm bằng gỗ chắc, sàn sạch, đẹp và chăm sóc cẩn thận. Để trở thành bò chọi thì con bò phải khỏe mạnh, sừng dài, u to, săn chắc, da dày, lông mượt... Con bò của tôi được mua từ bên nước Lào với giá 70 triệu đồng, nuôi được 1 tháng thì mang ra đây đấu. Trước ngày thi đấu, bò được chăm sóc kỹ lưỡng, chải lông, cọ sừng, tắm rửa sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe...

Trước trận chiến, những con bò chọi được chủ dắt vào sân đấu, vừa đi vừa gườm đối thủ, mắt long lên đầy tia đỏ, chân trước ghì cào lên mặt đất, mũi thở phì phò, sẵn sàng "ăn thua" với đối thủ. Giữa bãi cỏ rộng, chỉ chờ chủ tháo dây chão mũi, hai con bò đực với cặp sừng to, cong, nhọn lao vào húc nhau, tiếng sừng va vào nhau "cốp, cắc" chát chúa... Kẻ thua cuộc bị rượt đuổi trong tiếng reo, hò, cổ vũ của người dân và du khách. Đó là hình ảnh quen thuộc diễn ra trong suốt hội chọi bò.

Năm nay, quán quân với phần thưởng là 1,5 triệu đồng thuộc về chú bò của anh Lý Văn Anh, thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh. Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi bò chọi, anh Lý Văn Anh chia sẻ: Chọn được con bò chọi tốt quan trọng nhất chính là đôi mắt và cặp sừng. Sừng chuẩn phải nhọn và cong về phía trước. Mắt không quá to, sâu, sáng thì khi vào trận bò sẽ hung hăng và hiếu chiến.

"Đấu sĩ" thắng cuộc nhận được sự reo hò, tán thưởng của đông đảo khán giả.

"Đấu sĩ" thắng cuộc nhận được sự reo hò, tán thưởng của đông đảo khán giả.

Sau hội chọi, dù thắng hay thua, những "đấu sĩ" bò vẫn tiếp tục được chủ nhân chăm sóc, là gia tài lớn của gia đình và tiếp tục tham gia các hội chọi năm sau. Con bò thắng trận là niềm tự hào của gia đình và cả thôn, bản.

Việc duy trì hoạt động chọi bò thể hiện nét đẹp truyền thống của đồng bào; sự gắn kết cộng đồng, kỹ năng trong chăm sóc vật nuôi của con người với vật nuôi, qua đó góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông trong mỗi dịp lễ hội./.

Xem thêm