Chợ Mới thu hút được nhiều nhà đầu tư công nghiệp chế biến gỗ

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Đến nay huyện Chợ Mới đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư công nghiệp chế biến gỗ. Nhờ vậy kinh tế rừng đã phát triển mạnh mẽ, giúp thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Chế biến ván bóc tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư Govina.

Chế biến ván bóc tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư Govina.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2021, diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện Chợ Mới là 20.401ha, chiếm khoảng 1/5 diện tích rừng trồng toàn tỉnh. Tại Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 15/12/2020 về phát triển sản xuất theo chuỗi một số nông, lâm sản chủ lực của huyện Chợ Mới để nâng cao đời sống khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đề ra mục tiêu trồng rừng sau khai thác 4.800ha/5 năm; trồng rừng phân tán 1.200ha/5 năm.

Theo đó, năm 2022 huyện trồng được hơn 1.000ha/830ha đạt 120% kế hoạch; trồng rừng phân tán 250/150ha; trồng rừng sau khai thác 670,4/650ha; trồng theo Dự án của Lâm trường 80/30ha; trồng cây chủ lực (quế) được 100ha. Tổng kinh phí huyện hỗ trợ trồng rừng phân tán và cây chủ lực trong các năm 2021, 2022 khoảng 3,2 tỷ đồng.

Ông Bùi Nguyễn Quỳnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay: Sản lượng lâm sản khai thác đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Năm 2021 tổng khối lượng gỗ rừng trồng các loại đã khai thác 61.450m3, lâm sản ngoài gỗ là 3.812 ster củi, mang lại thu nhập khoảng 50 tỷ đồng. Năm 2022 tổng khối lượng gỗ rừng trồng các loại đã khai thác hơn 67.000m3; lâm sản ngoài gỗ là 6.091 ster củi, 1.217 tấn hồi, 324 tấn vỏ quế, tổng thu nhập từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ từ rừng trồng đạt trên 95 tỷ đồng.

Để có được sản phẩm xuất khẩu, gỗ ván dán phải trải qua nhiều quy trình sản xuất.

Để có được sản phẩm xuất khẩu, gỗ ván dán phải trải qua nhiều quy trình sản xuất.

Ông Quỳnh chia sẻ thêm: Hiện nay có nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ, tại khu công nghiệp Thanh Bình và cụm công nghiệp Quảng Chu. Cụ thể, tại KCN Thanh Bình hiện có 4 doanh nghiệp lớn sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu như: Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hồng Ngọc, Công ty TNHH gỗ ép Anh Bình, đem lại việc làm cho hơn 1.000 người. Hầu hết những sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản…

Riêng tại địa bàn xã Quảng Chu, theo thống kê hiện có 13 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể đầu tư xây dựng nhà xưởng và đi vào sản xuất. Lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu là chế biến gỗ ván dán. Tiêu biểu như Công ty TNHH gỗ Dương Thành đầu tư nhà xưởng tại thôn Đèo Vai 2, chuyên bóc và sản xuất gỗ ván dán.

Có thể thấy, từ tầm nhìn chiến lược, đến nay huyện Chợ Mới đã tạo được vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững, từ đó thu hút hàng trăm nhà đầu tư từ chế biến nhỏ đến chế biến công nghiệp, mang lại việc làm ổn định cho hàng nghìn công nhân lao động. Cùng với đó, hàng nghìn hộ dân có việc làm từ trồng rừng, diện mạo nông thôn và đời sống người dân đang thay đổi từng ngày.

Hiện nay huyện đang chủ trương tiếp tục mở rộng thêm nhiều cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư - nhất là trong lĩnh vực chế biến gỗ, vừa tăng thu ngân sách, vừa phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Xem thêm