"Bản sắc văn hóa dân tộc đã đưa tôi đến với Mỹ thuật"

Đó là chia sẻ của họa sỹ Phùng Minh Hiệu (sinh năm 1965) – Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Kạn. Là một họa sỹ được biết đến với những bức tranh bút sắt tinh tế, tỉ mỉ về phong cảnh, cuộc sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những tác phẩm của ông đạm nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn.

Đó là chia sẻ của họa sỹ Phùng Minh Hiệu (sinh năm 1965) – Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Kạn. Là một họa sỹ được biết đến với những bức tranh bút sắt tinh tế, tỉ mỉ về phong cảnh, cuộc sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những tác phẩm của ông đạm nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn.

Chúng tôi tìm đến gặp họa sỹ Phùng Minh Hiệu sau khi được xem tác phẩm “Môi trường thân thiện” của ông. Bức tranh tuy chỉ hai màu đen trắng nhưng lại vô cùng ấn tượng; hình ảnh múa khèn của chàng trai Mông, đôi mắt chăm chú của du khách nước ngoài được khắc họa hết sức tỉ mỉ, chăm chút từng nét bút, độ sáng tối cũng được thể hiện rất rõ làm tăng thêm sự chân thực, cuốn hút người xem. Gặp họa sỹ Phùng Minh Hiệu, chúng tôi càng ấn tượng hơn với cách nói chuyện thân tình và cả vốn hiểu biết phong phú của ông. Nói riêng về niềm đam mê đang theo đuổi là Mỹ thuật, ông chia sẻ: Tôi thích vẽ từ ngày nhỏ, trước đi học từ lớp 1 đã bị thầy giáo mắng vì sách, vở có chỗ nào trống là đều có hình cây cỏ, ngôi nhà, thậm chí cả Bác Hồ… Lớn lên, thi đỗ vào Trường Cao Đẳng Nhạc - Họa Trung ương, từ đây tôi đã được đào tạo chuyên nghiệp hơn về Mỹ thuật. Sau khi ra trường, công tác ở một số lĩnh vực, tôi cũng có vẽ, những chỉ để giải trí; đến khi được về làm việc tại phòng tuyên truyền, cổ động, triểm lãm của Sở Văn hóa Thông tin Bắc Kạn tôi mới bắt đầu vẽ và tạo ra những tác phẩm theo phong cách riêng của mình.

Sinh ra và lớn lên ở xã Hà Vị, huyện Bạch Thông, là người con của dân tộc Tày; tình yêu văn hóa, đam mê tìm hiểu đã hình thành trong ông từ khi còn rất trẻ. Đến khi tham gia công tác, được đi nhiều nơi, có dịp biết đến những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc đã thôi thúc ông lưu lại bằng chính ngòi bút và tâm hồn mình. Ông chia sẻ thêm: Tôi đã từng gác bút một thời gian để tập trung cho công việc, thế nhưng tình yêu, niềm đam mê văn hóa các tộc người trong tôi lớn quá. Không chỉ muốn tìm hiểu, sưu tầm mà còn muốn lưu lại; trong thâm tâm tôi rất muốn góp phần lưu giữ lại những tinh túy ấy và thông qua những bức tranh là sở trưởng của mình, tôi đã lưu lại những điều đó theo cách riêng của một họa sĩ.

Ban đầu, ông vẽ bằng chất liệu bột màu và sơn dầu để sáng tạo; sau một thời gian ngắn, nghiên cứu và yêu thích chất liệu bút sắt, nên ông đã bắt đầu thử. Tác phẩm đầu tiên được vẽ bằng bút sắt là bức tranh “Một góc Hồ Ba Bể” - đã được Hội Họa sỹ Việt Nam tặng giấy khen. Theo đó, nhận thấy đây là thế mạnh của bản thân, vì ở chất liệu này rất kén người vẽ, ít người theo vì không chỉ phải cẩn thận, tỉ mỉ mà khi vẽ không thể xóa được. Điều quan trọng khiến cho cách vẽ bút sắc đặc biệt ở chỗ, tác giả thổi được hồn vào bức tranh với chỉ có hai màu đen trắng đan xen, đó là điều khó nhất. Nhiều tác phẩm của ông đã ghi dấu ấn cả trong và ngoài tỉnh như: Nhà sàn bên suối, Môi trường thân thiện, Bản sắc người Dao tiền…

Tác phẩm bút sắt: Nhà sàn bên suối -  tác giả: Phùng Minh Hiệu
Tác phẩm bút sắt: Nhà sàn bên suối - tác giả: Phùng Minh Hiệu

Sau khi xem tranh của ông, không khó để nhận ra đề tài chủ yếu được ông chọn lựa thường là về: Bản sắc văn hóa các dân tộc và phong cảnh miền núi. Chính vì đã gắn liền với những hình ảnh thân thuộc đó từ bé, hơn nữa tình yêu dành cho văn hóa rất lớn nên những tác phẩm của ông luôn gần gũi, thân thuộc và làm người xem nhớ mãi những nét bút tỉ mỉ, trau chuốt và tài hoa của tác giả. Để tạo ra được những bức tranh như vậy, ông đã tìm hiểu, đi đến rất nhiều nơi có đồng bào dân tộc mang nét đặc trưng riêng. Ông chụp ảnh lấy tư liệu, hỏi han, ghi nhớ để rồi sau những giờ làm việc lại thả hồn mình vào cây bút và giấy vẽ…

Được biết, sắp tới ông dự định sẽ sáng tác một bộ tranh: Giới thiệu về các nhà sàn truyền thống của Bắc Kạn. Chia tay họa sỹ Phùng Minh Hiệu, chúng tôi cùng chúc ông sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, đúng như mong ước giản dị: Tôi mong mình sẽ vẽ được nhiều tác phẩm bằng bút sắt có chất lượng để đóng góp vào nghệ thuật của tỉnh nhà; sẽ có thêm nhiều người xem tranh để thấy được cái hay, cái đẹp mà có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình./.

Bích Phượng

Xem thêm