Chăm sóc cây trồng có múi, cây dược liệu sau thu hoạch

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thời tiết thuận lợi, người dân huyện Bạch Thông đang tập trung chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, cây dược liệu theo khuyến cáo của ngành chức năng nhằm hướng đến vụ thu hoạch thắng lợi.
Người dân huyện Bạch Thông phun thuốc phòng trừ sâu nhớt hại cây quýt.

Người dân huyện Bạch Thông phun thuốc phòng trừ sâu nhớt hại cây quýt.

Hơn 10 năm nay, 6ha quýt của chị Lý Thị Đôi, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận vẫn đều đặn cho thu hoạch. Năm được mùa, được giá, chị Đôi thu gần 1 tỷ đồng. Cây quýt là nguồn thu nhập chính và ổn định nên gia đình chị dành nhiều thời gian, công sức, chi phí để chăm sóc sau thu hoạch. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, gia đình chị tập trung làm cỏ, vun gốc cho cây quýt. Đặc biệt trong giai đoạn cây ra lộc, chuẩn bị ra hoa sẽ xuất hiện sâu nhớt nên chị phun thuốc phòng trừ. Chị Đôi cho biết: Thu hoạch xong là đi phun rửa vườn, khi nào thấy cây ra lộc bé thì phun một lượt thuốc sâu để chống sâu nhớt, nếu không phun kịp thời thì coi như vụ quýt sẽ thất thu.

Tổng diện tích cam, quýt trên địa bàn huyện Bạch Thông khoảng 1.900ha, tập trung tại 3 xã là Quang Thuận, Dương Phong và Đôn Phong, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 1.400ha. Người dân vùng trồng cây ăn quả có múi thường xuyên được tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cam, quýt. Vì vậy, bà con luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước diễn biến của bệnh dịch cũng như thời tiết. Kỹ thuật chăm sóc cây cam, quýt theo từng giai đoạn cũng được chính quyền, cán bộ chuyên môn hướng dẫn đến người dân.

Ông Lộc Hữu Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết: Cam, quýt là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều nông hộ trong xã. Để có vụ thu hoạch thắng lợi, công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh sau thu hoạch đối với cam, quýt là rất quan trọng. Mặc dù bà con đã có kinh nghiệm từ nhiều năm nay, nhưng địa phương vẫn phải đẩy mạnh tuyên truyền để bà con chủ động trong làm cỏ, bón phân và đặc biệt là phun thuốc phòng trừ sâu nhớt hại lộc cây cam, quýt. Bởi đây là loại sâu đặc biệt nguy hại, nếu lơ là trong thời gian cây đang ra lộc, ra hoa thì sâu phá hoại gây mất mùa.

Năm 2022, cây hồi được mùa, được giá mang lại niềm vui cho người dân tại các xã Vũ Muộn, Sỹ Bình, Cao Sơn. Thay vì trồng quảng canh như chục năm về trước, người trồng hồi ở Bạch Thông đã có ý thức thâm canh loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này. Đối với cây hồi, phòng trừ bệnh thán thư là hết sức quan trọng quyết định đến năng suất. Vì vậy, người dân tập trung vệ sinh rừng hồi bị bệnh gây hại, tiêu hủy những cành, lá bị bệnh rụng xuống để tránh lây lan ra diện rộng. Phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Revus Opti 440SC, Cabrio Top 600WG, Daconil 75WP…

Đối với những cây hồi trái vụ thì tiến hành bón thêm phân kali clorua bằng biện pháp qua lá để tăng cường khả năng đậu quả và năng suất. Còn diện tích hồi tuổi nhỏ và những diện tích mới trồng, tiến hành phát cỏ, dây leo cuốn xung quanh gốc.

Ông Lăng Văn Thụy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông cho biết: Cây cam, quýt cần hấp thu chất dinh dưỡng quanh năm, nhất là thời kỳ nở hoa và khi cây ra đọt non cần cung cấp nhiều dưỡng chất. Nếu chỉ bỏ một vụ không chăm sóc thì vụ sau cây sẽ cho năng suất thấp, chất lượng quả cũng không bảo đảm. Để canh tác bền vững, bà con cần chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, trong đó có phân gà. Ngoài việc chú ý vệ sinh vườn đồi, phát dọn cỏ thì người trồng quýt cũng cần sớm phát hiện những loại sâu bệnh để phòng trừ kịp thời./.

Xem thêm