Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, giao dịch của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm tội phạm pháp luật liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Tin nhắn đối tượng đặt hàng số lượng lớn với chị Lý Thị Thu.

Tin nhắn đối tượng đặt hàng số lượng lớn với chị Lý Thị Thu.

Chị Lý Thị Thu, chủ cửa hàng tự chọn Phương Thu ở phố Ngã Ba, thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) vẫn chưa hết bàng hoàng khi suýt bị lừa một khoản tiền lớn. Đối tượng tự xưng là cán bộ Ban CHQS huyện gọi điện đặt 50 hộp lương khô để phát cho bộ đội. Mỗi hộp lương khô nhập vào hơn 500.000 đồng, trong khi cửa hàng của chị không có loại này. Đối tượng kết bạn Zalo và giới thiệu cho chị một địa chỉ cung cấp loại hàng này để nhập về. Chị Thu liên hệ và được đầu mối này yêu cầu chuyển khoản đặt cọc rồi sẽ chuyển hàng ngay. Bán tín, bán nghi, chị Thu gọi điện thoại trao đổi trực tiếp và bảo nhận hàng mới chuyển tiền cho đại lý thì nhóm đối tượng tắt máy, cắt liên lạc.

“Các đối tượng lợi dụng thời điểm cận Tết và đòi lấy hàng ngay trong ngày, địa chỉ nhận hàng ở địa phương. Vả lại chúng giả danh bộ đội, còn gửi cả ảnh và chứng minh quân nhân chuyên nghiệp hòng lấy lòng tin, liên tục hối thúc khiến tôi cũng rối. Tuy nhiên, số lượng hàng đặt khá lớn, giá trị gần 30 triệu đồng và bắt chuyển tiền nhập hàng để chiết khấu nên tôi nghi ngờ. Sau đó, tôi gọi lên đơn vị mà đối tượng đặt hàng giả danh bộ đội hỏi ra thì mới rõ là lừa đảo”, chị Thu cho hay.

Được biết, đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới xuất hiện trên địa bàn. Ban đầu, các đối tượng gọi điện thoại đến cơ sở kinh doanh hàng hóa đề nghị mua hàng với số lượng lớn và gợi ý nơi cung cấp hàng cần mua. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu giao hàng gấp trong ngày. Do thời gian ngắn, không thể tìm đối tác cung cấp số lượng hàng theo yêu cầu nên cơ sở kinh doanh, cửa hàng sẽ liên hệ theo địa chỉ mà đối tượng gợi ý. Nếu cơ sở kinh doanh chuyển tiền đặt cọc cho bên cung cấp hàng mà đối tượng giới thiệu thì sẽ bị chiếm đoạt số tiền đã chuyển. Để tạo sự tin tưởng, nhóm đối tượng thường sử dụng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ và chụp cả chứng minh quân nhân chuyên nghiệp.

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng mạng viễn thông, internet lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch ngân hàng trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Nổi lên là hình thức giả danh cán bộ cơ quan chức năng gọi điện thoại yêu cầu chuyển khoản để xác minh nguồn gốc sau đó chiếm đoạt tài sản; thông báo vi phạm pháp luật, vi phạm giao thông, yêu cầu chuyển khoản nộp phạt, giải quyết; lôi kéo, dụ dỗ tham gia các nhóm “việc nhẹ, lương cao”; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để nhắn tin vay, mượn tiền…

Ông Phạm Văn Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong năm 2023, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với cơ quan Công an trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, huyện Ngân Sơn và Pác Nặm ngăn chặn thành công 03 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân thông qua hoạt động giao dịch tại ngân hàng với tổng số tiền 338 triệu đồng.

Theo cơ quan Công an, những chiêu trò lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp, các đối tượng tạo ra các “câu chuyện lừa đảo” ngày càng tinh vi. Một số thủ đoạn lừa đảo trong dịp Tết như: Mua hàng số lượng lớn; giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra các chương trình tặng quà, trúng thưởng; khuyến mại vé máy bay Tết giá rẻ; tuyển dụng việc làm trực tuyến cận Tết; mời gọi đầu tư tài chính…

Thực tế việc lấy lại số tiền lừa đảo trên không gian mạng, điện thoại là rất khó khăn, do các đối tượng hầu hết ở nước ngoài, địa chỉ ảo. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, để không mắc bẫy các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi gặp trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để kịp thời giải quyết theo quy định./.

Xem thêm