Cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo tinh vi thời công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đang có những diễn biến phức tạp. Hoạt động phạm tội tinh vi, xảo quyệt, ngày càng đa dạng về phương thức, thủ đoạn, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Hoạt động của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn.

Hoạt động của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Ngày 03/01/2023, chị H.T.H nhận được cuộc điện thoại của một người tự giới thiệu là nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Người này thông báo chị H.T.H có mở tài khoản và vay để tiêu dùng số tiền 80 triệu đồng tại Ngân hàng BIDV Hải Châu 1, thành phố Đà Nẵng đến nay đã quá hạn trả lãi. Chị H nói không được vay số tiền trên thì đối tượng kết nối cuộc gọi đến số điện thoại khác tự giới thiệu là cán bộ Công an công tác tại Công an thành phố Đà Nẵng và một số điện thoại khác tự xưng là Bộ Công an nói rằng chị H là bị can trong vụ án đang điều tra, yêu cầu chị nộp số tiền 200 triệu đồng để được bảo lãnh, nếu không sẽ bị bắt.

Người tự xưng là Công an thành phố Đà Nẵng đã kết bạn trên ứng dụng Zalo để nhắn tin với chị H và gửi đường link truy cập dẫn đến trang web có phù hiệu Công an nhân dân. Chị H làm theo hướng dẫn đăng nhập vào đường link, nhập thông tin liên quan đến tài khoản, mật khẩu Smartbanking. Khi chị H chuyển số tiền 169 triệu đồng vào tài khoản của mình thì các đối tượng đã chiếm quyền sử dụng tài khoản Smartbanking của chị và chuyển tiền đến nhiều tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.

Một trường hợp khác cũng bị “dính bẫy” là chị N.T.Y.T trú tại tổ 4, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn). Ngày 10/01/2023, chị N.T.Y.T trình báo về việc bị một tài khoản Zalo tên “Đỗ Đạt” nhắn tin để mua 03 con lợn và nói sẽ đặt cọc trước 3 triệu đồng qua số tài khoản. Sau đó, người có tài khoản Zalo tên “Thạch Yến” nhắn tin đến với nội dung hỏi chị T đã nhận được tiền đặt cọc chưa và yêu cầu chị nhấn vào đường link để nhận tiền. Khi nhấn vào đường link thì dẫn đến trang web chuyentienquoctebanking347.weeby.com. Sau khi chị T làm theo hướng dẫn đăng nhập tài khoản, mật khẩu ứng dụng Smartbanking, mã OTP vào trang web nêu trên thì đối tượng nhanh chóng chiếm quyền sử dụng tài khoản Smartbanking của chị T và chuyển số tiền 40 triệu đồng trong tài khoản của chị đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Sau đó đối tượng khoá số điện thoại, chặn liên lạc với chị T.

Cũng với thủ đoạn tương tự, ngày 12/4/2023, ông B.H.T trú tại phường Xuất Hoá (TP. Bắc Kạn) nhận được cuộc gọi từ số máy lạ tự xưng là Công an và thông báo ông T là nghi can có liên quan đến một đường dây rửa tiền. Đối tượng yêu cầu ông T chuyển tiền qua tài khoản để tiến hành kiểm tra, nếu không liên quan sẽ chuyển trả lại và đề nghị ông T tuyệt đối giữ bí mật thông tin. Sau đó, ông T đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn (Agribank) chuyển tiền đến số tài khoản mà đối tượng cung cấp, tổng cộng 03 lần chuyển tiền là 350 triệu đồng. Khi nhận được tiền, các đối tượng đã nhanh chóng chuyển đi nhiều ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt.

Từ các vụ việc trên có thể thấy, các đối tượng tội phạm sử dụng những chiêu thức không mới nhưng hết sức tinh vi, đánh vào yếu tố tâm lý của người dân bằng cách mạo danh cơ quan Công an, Tư pháp để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặc dù nhiều bị hại không có gì khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết hành vi lừa đảo.

Nêu cao cảnh giác

Để chủ động phòng ngừa với loại tội phạm trên, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương, UBND thành phố Bắc Kạn vừa ban hành Công văn số 672/UBND-CATP, ngày 18/4/2023, về việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, Công an thành phố Bắc Kạn tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn, kịp thời thông báo đến đông đảo quần chúng nhân dân; nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, kịp thời tham mưu, triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giảm thiểu thiệt hại của người dân.

Các xã, phường tăng thời lượng, tần suất phát sóng nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về cảnh báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên tuyên truyền đến người thân, gia đình, bạn bè và quần chúng nhân dân nơi cư trú nâng cao ý thức cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo...

Theo khuyến cáo của cơ quan Công an, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.

Xem thêm