Y tế và sức khỏe cộng đồng

Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Theo Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết trong 02 tháng đầu năm 2023 cả nước tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung nước ta.
Người dân xã Hoà Mục, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết.

Người dân xã Hoà Mục, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trước tháng cao điểm 2023, Bộ Y tế đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể trên địa bàn chủ động công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch. Đồng thời huy động các ban ngành, đoàn thể phối hợp ngành Y tế cùng người dân triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát dụng cụ, vật dụng chứa nước, nơi sinh sản của muỗi phải được xử lý.

Tại tỉnh Bắc Kạn, năm 2022 đã ghi nhận một số trường hợp sốt xuất huyết ngoại lai, có yếu tố dịch tễ đi từ các vùng dịch trở về địa phương. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết nào. Tuy nhiên, đang trong thời điểm giao mùa xuân - hè (nhiệt độ môi trường tăng cao, nóng ẩm, mưa nhiều) là điều kiện để muỗi sinh sôi và phát triển. Để phòng ngừa mắc bệnh sốt xuất huyết, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, không nên chủ quan trước tình hình dịch đang có dấu hiệu gia tăng ở một số tỉnh, thành khu vực miền Nam và miền Trung nước ta. Cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương và ngành Y tế để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.

Bên cạnh phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành cả nước chủ động phòng chống dịch bệnh Mác-bớc (Marburg) không để lan truyền vào Việt Nam.

Để chủ động phòng chống dịch Mác-bớc, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày); phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn. Chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch. Thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức ở cơ và khớp. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp. Bệnh sốt xuất huyết dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong. Hiện nay, số ca nhiễm sốt xuất huyết mỗi năm đều lên đến khoảng 50 – 1.000 ca và đã xảy ra trên 100 quốc gia. Căn bệnh này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và cần được quan tâm.

Bệnh Mác-bớc (Marburg) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Mác-bớc (Marburg) gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả, bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường, vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc, chết do vi rút Mác-bớc.

Thời gian ủ bệnh từ 02-21 ngày; khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%), bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Xem thêm