Cần sớmkhắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Cầu đoạn qua thị trấn Chợ Mới

Cũng trong tương tự như nhiều hộ dân sống ở các khu sạt lở và có nguy cơ sạt lở khác, người dân ở Tổ 2 và một số hộ dân ở Tổ 1 (thị trấn Chợ Mới) đang hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt và nơm nớp lo sợ về tình trạng sạt lở ở bờ sông Cầu – đoạn qua tổ dân phố.

Cũng trong tương tự như nhiều hộ dân sống ở các khu sạt lở và có nguy cơ sạt lở khác, người dân ở Tổ 2 và một số hộ dân ở Tổ 1 (thị trấn Chợ Mới) đang hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt và nơm nớp lo sợ về tình trạng sạt lở ở bờ sông Cầu – đoạn qua tổ dân phố.

                     Hiện nay ở Tổ 2 thị trấn Chợ Mới (Chợ Mới) có 50 hộ dân với trên 320 nhân khẩu. Trong số này có 30 hộ dân sống dọc theo bờ sông Cầu đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng sạt lở bờ sông. Theo phản ánh của người dân địa phương, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra với tốc độ “chóng mặt”, lấy đi nhiều diện tích hoa màu, nhà ở và đe dọa đến tính mạng của bà con. Ông Nguyễn Ngọc Quý, Tổ trưởng Tổ 2 cho biết: “Khoảng 3-4 năm trước đây, khi thi công mở rộng tuyến đường Quốc lộ 3, đơn vị thi công đã đổ đất xuống sông, cộng thêm rừng phòng hộ bị tàn phá nên hiện nay dòng chảy sông Cầu – đoạn qua Thị trấn đã bị thay đổi nhiều, lòng sông đã mở rộng nhiều hơn trước. Ở một số vị trí, sau các trận mưa lũ, dòng chảy của sông đã thay đổi làm bồi đắp thêm một số diện tích soi bãi nhưng cũng làm sạt lở nhiều diện tích hoa màu, đất ở của các hộ dân trong Tổ. Không chỉ mất đất, mất vườn mà tính mạng của chúng tôi cũng đang hằng ngày bị đe dọa khi tình trạng sạt lở bờ sông vẫn tiếp diễn”.

Cần sớmkhắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Cầu đoạn qua thị trấn Chợ Mới ảnh 1

Vườn tược của người dân trở thành lòng sông do bị sạt lở

               Qua quan sát ở đây cho thấy, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, nước sông dâng cao, nhiều vị trí dòng chảy của sông đã thay đổi, kéo theo đó là tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng. Cụ thể là toàn bộ đoạn bờ sông Cầu dài gần 500m qua 30 hộ dân đều bị sạt lở và lấn sâu vào nhà dân. Nếu như khoảng 3 năm trước, tình trạng sạt lở đã lấn sâu vào khu vực vườn tược của người dân gần 5m, thì nay toàn Tổ 2 có đến trên 10 hộ dân bị sạt lở 15-17m đất vườn. Điển hình như ở gia đình bà Trần Thị Bắc, tình trạng sạt lở đã lấy đi gần 15m đất vườn và đang tiến đến gần công trình phụ của gia đình, bà cho biết: “Mỗi lần mưa lũ, nước dâng cao và làm sạt lở một phần diện tích đất của gia đình chúng tôi càng thêm lo lắng. Bởi bây giờ mới bị sạt lở đất vườn và đã chạm đến công trình phụ của gia đình, nhưng nay mai sẽ tiến sâu hơn nếu không kịp thời được kè, chống”. Hay như ở gia đình ông Nguyễn Ngọc Quý, để tạo môi trường sạch sẽ và tận dụng tối đa lợi thế trong phát triển chăn nuôi lợn, gia đình ông đã xây dựng một hầm Bioga nằm cách bờ sông Cầu khoảng 15m. Tuy nhiên, sau vài trận lũ thì hiện toàn bộ 15m đất vườn của gia đình đã bị trôi hoàn toàn, để lại hầm Bioga trên bờ sông. Và chỉ cần 1-2 đợt lũ lớn xảy ra thì nguy cơ hầm biôga này bị lũ cuốn trôi là điều khó tránh khỏi, trong khi gia đình ông cũng chưa thể có giải pháp khắc phục.

       Lo lắng của gia đình bà Trần Thị Bắc và ông Tổ trưởng tổ dân phố cũng là những suy nghĩ chung của các hộ dân ở thị trấn Chợ Mới. Mặc dù nằm cách xa bờ sông Cầu hơn Tổ 2 nhưng nhiều hộ dân ở Tổ 1 cũng đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở ở bờ sông. Tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở như các hộ dân ở Tổ 2, nhưng ở Tổ 1 nhiều diện tích đất canh tác của người dân đã bị lũ cuốn trôi, kéo theo nguy cơ giảm diện tích hoa màu của nhân dân. Một vấn đề đặt ra là, giải pháp nào để nhanh chóng khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông để bà con yên tâm ổn định cuộc sống? Với đặc thù của Tổ 2 có đến 30% số hộ không có việc làm, thu nhập ổn định, 30% số hộ phải đi làm công để kiếm sống, chỉ có 30% số hộ buôn bán, 10% dân số hưởng lương hưu thì vấn đề người dân tự xây kè chống xói lở là rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, trong số 30 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở bờ sông thì có đến 3 hộ thuộc diện nghèo, 5 hộ cận nghèo, việc kiếm miếng cơm manh áo đã khó thì việc tự xây kè chống xói lở càng khó hơn. Trong khi đó, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên các hộ dân cũng không thể sơ tán hoặc di chuyển chỗ ở đến nơi an toàn hơn, thay vào đó là phải tiếp tục chống chọi, đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông. Được biết, mới đây UBDN tỉnh đã ký quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống xói lở bờ sông Cầu đoạn qua huyện Chợ Mới, trong đó có đoạn qua thị trấn Chợ Mới. Mong rằng chủ trương trên sẽ sớm được thực hiện, giúp nhân dân ở Tổ 1, Tổ 2 (thị trấn Chợ Mới) và các xã nằm dọc theo sông Cầu yên tâm ổn định cuộc sống./.

T.H

Xem thêm