Bài 3: Quản lý cưa xăng chặt chẽ để không trở thành phương tiện phá rừng
100% các vụ khai thác gỗ nghiến trái phép ở các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia Ba Bể đều sử dụng phương tiện là cưa xăng. Từ khi cưa xăng được bán rộng rãi trên thị trường thì phương tiện này được lâm tặc sử dụng để tàn phá các khu rừng một cách chóng mặt.
![]() |
Công an xã Khang Ninh, Ba Bể đến từng hộ gia đình để rà soát và vận động người dân ký cam kết quản lý cưa xăng. |
Với hơn 20 năm làm kiểm lâm, đồng chí Nông Đình Khuê – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết: Trước đây chưa có cưa xăng thì việc lâm tặc chặt hạ được một cây nghiến có đường kính 1 m phải mất thời gian cả tuần cưa tay, chặt hoặc đốt gốc.
Nhưng từ khi cưa xăng xuất hiện thì việc tàn phá rừng nghiến diễn ra nhanh và khó kiểm soát. Một thanh niên khỏe mạnh chỉ cần 30 phút dùng cưa xăng là hạ xong một cây nghiến có đường kính khoảng 1 mét, lực lượng kiểm lâm có phát hiện thì khi lên đến hiện trường cây nghiến đã cắt xong.
Một thực trạng là cưa xăng được người dân ở các xã vùng đệm, vùng lõi khu bảo tồn, Vườn Quốc gia mua với số lượng lớn. Một bộ phận được sử dụng vào mục đích sản xuất, khai thác rừng ở vườn nhà, rừng trồng hiệu quả kinh tế rất tốt, giảm bớt sức người... tuy nhiên có một bộ phận người dân sử dụng cưa xăng vào mục đích phi pháp là cắt phá trái phép gỗ nghiến, gỗ chai trong các khu rừng cấm.
Thấy được nguy hại của phương tiện cưa xăng, nên ngày 19/10/2012, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra Quyết định 1718/2012/QĐ –UBND tỉnh về ban hành Quy chế về quản lý, sử dụng cưa xăng, phương tiện độ chế tại các Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia trên địa bàn tỉnh (Quy chế quản lý cưa xăng).
![]() |
Xe máy là phương tiện vẫn chuyển gỗ bị thu giữ nhiều nhất ở các hạt kiểm lâm. |
Thực hiện tốt quy chế này, thì mọi hành vi sử dụng cưa xăng không có giấy phép ở vùng đệm, vùng lõi của các khu bảo tồn, Vườn quốc gia sẽ bị tịch thu và xử lý, ngăn chặn được ngay từ đầu những hành vi phá rừng.
Sau khi Quy chế quản lý cưa xăng được ban hành thì lực lượng kiểm lâm, UBND các xã đã có sự phối hợp tốt trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu và hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc rà soát và quản lý cưa xăng.
Tại Vườn quốc gia Ba Bể, đến thời điểm này qua rà soát thống kê trên 7 xã vùng đệm có 308 cái cưa xăng. Trong đó, xã Quảng Khê có 74 cái, xã cao Thượng 47 cái, xã Đồng Phúc có 45 cái, xã Nam Mẫu có 50 cái, xã Cao Trĩ có 16 cái, xã Khang Ninh có 52 cái và xã Hoàng Trĩ có 24 cái cưa xăng.
Sau khi có kết quả thống kê sơ bộ số ượng cưa xăng ở các xã vùng đệm, Vườn quốc gia tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã phát giấy mời gọi các hộ gia đình có sử dụng cưa xăng thực hiện ký cam kết quản lý và sử dụng cưa xăng trên địa bàn theo Quy chế của tỉnh. Đến nay, đã có 148 hộ thuộc các xã vùng đệm Vườn quốc gia Ba Bể ký cam kết tham gia quản lý và sử dụng cưa xăng.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, qua rà soát sơ bộ tại các xã vùng đệm và các xã vùng lõi có 316 cái cưa xăng. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: Hiện lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đang tổ chức phối hợp chặt với các xã để cấp giấy chứng nhận sử dụng cưa xăng cho các hộ dân, đồng thời với đó là đưa cưa xăng về quản lý tập trung tại các trạm, chốt kiểm lâm sở tại gần nhất. Khi người dân có nhu cầu sử dụng cưa xăng phải có đăng ký sử dụng gửi Trạm hoặc chốt kiểm lâm nơi quản lý cưa xăng.
Tất cả các trường hợp sử dụng cưa xăng mà không đủ các điều kiện theo Quy chế quản lý cưa xăng của tỉnh sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước mắt để thực hiện tốt Quy chế quản lý cưa xăng, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã triển khai cho cán bộ, đảng viên, có cưa xăng chấp hành và thực hiện trước làm gương cho người dân trong xã. Đồng thời với đó, tham mưu cho các xã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về quản lý, sử dụng cưa xăng, phương tiện độ chế trên địa bàn xã.
Đồng chí GiThực hiện tốt Quy chế quản lý cưa xăng của tỉnh, kết hợp với triển khai tốt Chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trên cơ sở nòng cốt là lực lượng kiểm lâm sẽ tạo ra sự chuyển biến thực sự trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Rừng ở những Khu bảo tồn, Vườn quốc gia sẽ được bảo vệ tốt hơn, bền vững hơn, nạn phá rừng nghiến sẽ không thể tái diễn.
Sau một thời gian triển khai ở một số địa phương, lãnh đạo xã bày tỏ khó khăn, cho rằng sẽ gây phiền hà cho dân và khó quản lý. Tuy nhiên, quan điểm của ngành kiểm lâm là Quy chế quản lý cưa xăng ra đời là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế nạn phá rừng, do vậy khó đến mấy cũng phải thực hiện, trong qua trình triển khai nếu nảy sinh vướng mắc các ngành sẽ phối hợp giải quyết.
Mỗi ngành, địa phương trên cơ sở trách nhiệm được quy định trong Quy chế có sự phối hợp thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình. Ngành nào, địa phương nào, cá nhân nào làm tốt sẽ khen thưởng biểu dương, ngành nào, địa phương nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, chủ tịch xã sẽ chịu trách nhiệm trước chủ tịch huyện và chủ tịch UBND huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng bằng phương tiện cưa xăng./.
(Còn nữa)
Cao Xuân